Cho đến nay đã có khoảng 2,2 triệu tỷ tiền gửi tại các TCTD được bảo hiểm. Số tài khoản tiền gửi được bảo hiểm lên đến trên 30 triệu. Hạn mức trả tiền bảo hiểm được quy định là 50 triệu đồng.
Đây là thông tin được lãnh đạo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam công bố nhận Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập tổ chức bảo hiểm nhà nước đặc thù này hôm 4/11 ở Hà Nội.
Tính đến hết tháng 6/2014 đã có 1236 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trong đó có 90 ngân hàng thương mại và chi nhánh nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã và 1.145 quỹ tín dụng nhân dân.
Theo quy định, Bảo hiểm tiền gửi sẽ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tiền gửi ngay sau khi tổ chức tín dụng hoạt động. Đến nay đã có 7.800 mẫu bảo hiểm tiền gửi được cấp.
Thông qua nghiệp vụ bảo hiểm, cơ quan này sẽ giám sát từ xa từ đó có báo cáo đánh giá rủi ro và cảnh báo gửi đến NHNN nhằm nâng cao chất lượng của các TCTD.
Đánh giá tầm quan trọng của bảo hiểm tiền gửi trong hệ thống tiền tệ Việt Nam, Nhà nước đã ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực từ 2013 để góp phần bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền cũng như góp phần ổn định hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Thực tế, những năm 90 của thế kỷ trước, khi kinh tế thế giới và châu Á gặp khủng hoảng tài chính, hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng. Ở trong nước, hàng loạt HTX tín dụng đổ vỡ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế – xã hộ nhiều địa phương. Bảo hiểm tiền gửi ra đời vào thời điểm đó đã đáp ứng đúng yêu cầu thực tế và xu hướng của thế giới.
Hiện nay, bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Bảo hiểm tiền gửi tham gia tích cực vào quá trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng. Từ đó, góp phần ổn định và phát triển hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo vietnamnet.vn)