9 nhóm giải pháp phát triển thị trường phi nhân thọ
Trịnh Quang Tuyến,Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Từ đó, hiệu quả lợi nhuận mang lại từ dịch vụ bảo hiểm giảm sút, trong bối cảnh đầu tư vào tiền gửi ngân hàng lãi suất hạ, đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản cực kỳ rủi ro, sinh lời thấp.
Để chấn chỉnh, khôi phục thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, cơ quan quản lý Nhà nước đã buộc từng DN trong ngành thực hiện tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có những giải pháp đột phá thúc đẩy thị trường bảo hiểm phi nhân thọ phát triển theo đúng quỹ đạo tăng trưởng, lành mạnh, an toàn, hiệu quả.
1. Hoàn thiện hành lang pháp lý
Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời năm 2000, với tư duy ban hành luật thời đó là luật khung, các nội dung cơ bản được hướng dẫn tại nghị định và thông tư.
Các nội dung về chế độ quản lý nhà nước cấp phép thành lập quản lý hoạt động, quản lý tài chính được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 45, Nghị định 46, Nghị định 123 và các Thông tư 124, Thông tư 125. Các vấn đề vướng mắc hiện nay của thị trường bảo hiểm, DN bảo hiểm được các DN bảo hiểm đề xuất hầu hết đều phải sửa đổi bổ sung một số nội dung tại các nghị định, thông tư nói trên.
2. Khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh
Vài năm trở lại đây, tình trạng các DN bảo hiểm cạnh tranh bằng hạ phí, mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm, hạ mức khấu trừ, tăng hoa hồng và hỗ trợ đại lý, tăng chi phí tiếp khách giao dịch để lôi kéo khách hàng, dịch vụ bảo hiểm… diễn ra ngày càng gay gắt. Điều này đang đe dọa sự an toàn của DN bảo hiểm nói riêng và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm nói chung. Nguyên nhân của tình trạng này là quy mô thị trường chưa lớn (24.000 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD), số lượng DN bảo hiểm lên đến 29, số lượng chi nhánh, công ty thành viên lên tới con số gần 1.000, hoạt động như một công ty. Trong khi đó, với định hướng tự do hóa thị trường bảo hiểm, năm 2004, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 98, theo đó, chế độ đăng ký sản phẩm bảo hiểm được thay thế bằng báo cáo sản phẩm bảo hiểm.
Để khắc phục tình trạng này, đề nghị Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các chi nhánh, DN bảo hiểm bị thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm, ngừng triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bị thua lỗ, không đảm bảo quyền lợi chi trả của khách hàng và an toàn tài chính, thổi còi và xử phạt vi phạm các tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc chỉ định lựa chọn DN bảo hiểm của khách hàng. Về lâu dài, nên chăng, quay trở về chế độ đăng ký bảo hiểm với Bộ Tài chính và đưa ra định mức chi phí bán hàng cũng như chi phí quản lý DN bảo hiểm.
3. Có tiêu chí về năng lực khai thác
Hiện các DN bảo hiểm không bị giới hạn về nghiệp vụ bảo hiểm, số tiền bảo hiểm (giá trị rủi ro) được chấp nhận bảo hiểm cũng như địa bàn và phạm vi hoạt động. Chính điều này khiến cho các DN bảo hiểm bắt chước nhau theo kiểu anh làm thế nào tôi cũng làm thế ấy, cạnh tranh quyết liệt và khách hàng rất khó để nhận biết DN bảo hiểm nào tốt hơn.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Tài chính cần đưa ra tiêu chí năng lực khai thác tương ứng với vốn chủ sở hữu thực có (trừ lỗ) hay tổng tài sản phù hợp theo số lượng nghiệp vụ bảo hiểm được phép triển khai, số lượng chi nhánh được phép hoạt động, giá trị một dịch vụ bảo hiểm được phép khai thác, giá trị các dịch vụ được phép khai thác với một khách hàng.
Có như vậy, những DN bảo hiểm có vốn chủ sở hữu thực có hay tổng tài sản thấp đi liền với năng lực khai thác thấp buộc phải hợp tác cùng nhau đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm tương tự như quy định của Ngân hàng Nhà nước về đồng tài trợ giữa các ngân hàng thương mại.
4. Hạn chế trục lợi bảo hiểm
Trục lợi bảo hiểm đang diễn ra ngày càng phổ biến, với tính chất phức tạp hơn, quy mô lớn hơn. Đối tượng tham gia trục lợi không chỉ là khách hàng bảo hiểm, mà khách hàng cấu kết với nhân viên bảo hiểm, cơ quan có trách nhiệm cung cấp hồ sơ liên quan đến hồ sơ hiện trường xác định nguyên nhân, mức độ tổn thất để đòi bồi thường. Trong khi đó, áp lực quy định về thời gian giải quyết bồi thường (15 ngày) và thẩm quyền tổ chức hoặc nhờ điều tra những vấn đề nghi vấn của DN bảo hiểm bị hạn chế. Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đối với 5 DN bảo hiểm có thị phần lớn, số vụ trục lợi bảo hiểm bị phát hiện lên tới 10% giá trị bồi thường.
Giải pháp cho vấn đề trên là Bộ Tài chính cần phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Y tế để tổ chức giám định bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội làm giám định độc lập cho các DN bảo hiểm trong các vụ có nghi vấn trục lợi bảo hiểm); phối hợp với cơ quan công an (cảnh sát giao thông, cảnh sát phòng cháy chữa cháy) cung cấp hồ sơ hiện trường và điều tra giải quyết vụ tai nạn cho DN bảo hiểm. Hành vi trục lợi bảo hiểm cũng cần đưa vào tội phạm hình sự để tăng tính răn đe; cho phép thành lập trung tâm phòng chống trục lợi bảo hiểm của ngành bảo hiểm.
5. Hỗ trợ DN bảo hiểm phát triển sản phẩm bảo hiểm
Hiện sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đang có nhu cầu lớn từ xã hội, với doanh thu đứng thứ hai sau bảo hiểm xe cơ giới và tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm. Song việc thiết kế một sản phẩm bảo hiểm sức khỏe mới của nhiều DN đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các DN bảo hiểm cải tiến sản phẩm sẵn có trên thị trường. Vì vậy, đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm (Bộ Tài chính) có hướng dẫn mẫu nội dung chính cần đề cập trong quy tắc điều khoản biểu phí để được Bộ Tài chính phê duyệt, từ đó, các DN bảo hiểm có căn cứ thiết kế phát triển sản phẩm bảo hiểm sức khỏe.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần hỗ trợ các DN bảo hiểm triển khai bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, sau giai đoạn thí điểm bằng các chính sách xúc tiến thương mại; phối hợp với Bộ Công an để đối tượng được bảo hiểm tuân thủ mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy nổ bắt buộc hay tạo điều kiện cho các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm năng lượng nguyên tử…
6. Có quy định pháp lý về đối tượng mua bảo hiểm
Cần sửa đổi Nghị định 46 quy định về tài chính trong DN bảo hiểm, thành Nghị định quy định về tài chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Có như vậy, phạm vi điều chỉnh của văn bản này mới bao trùm được cả đối tượng người mua bảo hiểm.
Hiện Thông tư 125 hướng dẫn thực hiện Nghị định 46 quy định nhiều nội dung về thu phí bảo hiểm, hiệu lực hợp đồng bảo hiểm và hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm trước hạn (khi không đóng đủ, đúng hạn phí bảo hiểm) đều liên quan đến người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, thực tế, trong nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, tòa án và trọng tài không xử theo Nghị định 46, Thông tư 125 vì những văn bản pháp luật này không áp dụng với người mua bảo hiểm, mà xử theo quy định tại Luật Dân sự. Kết luận của tòa án, trọng tài thường là đóng phí bảo hiểm được bao nhiêu quy về tương đương với tháng được bảo hiểm, mà không quan tâm đến việc việc hợp đồng vô hiệu khi không đóng đủ phí như quy định.
7. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo
Hầu hết cán bộ của DN bảo hiểm chưa có văn bằng đào tạo bảo hiểm, mà chỉ qua các lớp tập huấn, đào tạo ngắn ngày theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Ngành bảo hiểm đang thiếu nhiều nhân lực có trình độ quản lý và chuyên môn cao cấp, dẫn tới tình trạng “săn” nhân lực chủ chốt lẫn nhau diễn ra khá quyết liệt. Đào tạo nguồn nhân lực đang là vấn đề hết sức cấp bách đối với các DN trong ngành.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Tài chính nên có quy định cho phép các DN bảo hiểm được trích từ 3 – 5% doanh thu vào Quỹ Đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thậm chí cho phép phân bổ chi phí đào tạo đột xuất vượt quá quy định trên vào các năm tiếp theo.
Cần có quy định về tiêu chí về phạm vi, nghiệp vụ khai thác của DN bảo hiểm
8. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành phục vụ việc tính phí
Bộ Tài chính quy định, từ năm 2015, các DN bảo hiểm phi nhân thọ phải có chuyên gia tính phí. Để tính phí bảo hiểm, chuyên gia tính phí cần có cơ sở dữ liệu của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ do từng DN bảo hiểm truy cập.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, điều kiện cấp phép hoạt động DN bảo hiểm là phải có cơ sở dữ liệu phù hợp với quản lý điều hành kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, Bộ Tài chính cần có lộ trình bắt buộc các DN bảo hiểm có dữ liệu và chia sẻ dữ liệu để tính phí bảo hiểm.
9. Tháo gỡ vướng mắc về thuế và kế toán
Có không ít những vướng mắc từ phía DN bảo hiểm đối với thực hiện các quy định pháp lý liên quan đến việc xuất hóa đơn tài chính cho khách hàng và hạch toán kế toán đối với khoản hoa hồng và chi phí theo từng nghiệp vụ và theo phí giữ lại.
Việc thiếu hướng dẫn rõ ràng về ngày cấp hóa đơn của hợp đồng bảo hiểm đã khiến cơ quan thuế địa phương có hướng dẫn khác nhau. Quy định về hủy hóa đơn khi khách hàng chấm dứt hợp đồng đối với khách hàng cá nhân cũng rất khó thực hiện vì rất khó mời khách hàng đến DN đến Công ty.
Ngoài ra, việc mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động vẫn chưa được hạch toán vào chi phí hợp lý hợp lệ. Chi phí mua bảo hiểm sức khỏe cho người lao động cũng cần được coi là chi phí hợp lý hợp lệ, để phù hợp với quy định mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính chi phí trước thuế và khuyến khích DN mua bảo hiểm cho người lao động.
10 giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ
1.Cần có tiêu chuẩn với đại lý bảo hiểm và các chức danh trong DN
Cần điều chỉnh thời gian đào tạo đại lý 5 ngày (40 giờ), tương đương với 1 tuần làm việc và có quy định về thời gian đào tạo phù hợp với việc bán bảo hiểm qua ngân hàng, bưu điện. Khôi phục lại quy định cấm hành nghề 3 năm đối với đại lý bảo hiểm vi phạm, để tránh tình tình trạng đại lý vi phạm tiếp tục nhảy việc sang các DN bảo hiểm khác tái diễn hành vi vi phạm và có quy định về giám sát hoạt động của tổng đại lý.
Ngoài ra, cũng cần có tiêu chuẩn về bằng cấp của những vị trí cấp cao của DN bảo hiểm.
2. Hoàn thiện quy định về đầu tư tài chính trong DN bảo hiểm
Theo quy định tại Điều 16, Nghị định 46, DN bảo hiểm được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh. Trên thực tế, trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh gồm hai loại: trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu doanh nghiệp khác do tổ chức tài chính bảo lãnh. Tuy nhiên, rủi ro của việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp không do Chính phủ bảo lãnh cao hơn so với trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Do đó, đề nghị không xếp chung các loại trái phiếu này trong danh mục đầu tư không hạn chế.
Ngoài ra, cần bỏ quy định về hình thức đầu tư tiền gửi ngân hàng tại khoản 4, Điều 11 và điểm h, khoản 2.3, Điều 16, Thông tư 125/2013, do Ngân hàng Nhà nước không công bố xếp loại ngân hàng.
3. Chống trục lợi bảo hiểm trong bảo hiểm y tế, tai nạn con người
Cần có khung pháp lý cho việc cung cấp thông tin của tập thể, cá nhân trục lợi, sự chia sẻ thông tin đó trên thị trường bảo hiểm, cơ sở pháp lý xử lý hiện tượng trục lợi bảo hiểm và hợp tác với giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội điều tra nghi vấn trục lợi bảo hiểm.
4. Bổ sung hoạt động kinh doanh bảo hiểm trực tuyến vào trong Luật
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chỉ thừa nhận giao dịch bảo hiểm bằng văn bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, hoạt động thương mại điện tử ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn, một số DN đã triển khai kênh bán hàng trực tuyến và qua điện thoại. Vì vậy, cần bổ sung hình thức giao dịch bán hàng trực tuyến và bán hàng qua điện thoại vào văn bản luật.
5. Cần có hướng dẫn DN bảo hiểm hoạt động phù hợp với FATCA
FATCA là Đạo luật về việc tuân thủ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài, được Cơ quan thuế Mỹ ban hành. Đạo luật này chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2014, theo đó, các tổ chức tài chính ngoài nước Mỹ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ tài khoản có nguồn gốc từ Mỹ cho cơ quan thuế Mỹ. Nếu không nguồn thu từ các tài khoản này của tổ chức bên ngoài nước Mỹ sẽ bị khấu trừ thuế. Việc thực hiện quy định này khá phức tạp, rất cần sự hướng dẫn từ phía Bộ Tài chính trong bảo hiểm nhân thọ, để không vi phạm quyền và lợi ích khách hàng tham gia bảo hiểm.
6. Cần khắc phục bất cập trong quy định khiến bảo hiểm nhân thọ gặp bất lợi trong cạnh tranh với bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm tử kỳ, tai nạn cá nhân
Theo quy định hiện hành, khối nhân thọ phải đáp ứng đủ điều kiện về vốn và phê duyệt sản phẩm bảo hiểm, còn khối phi nhân thọ thì không.
7. Nâng mức trần phí bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Bảo hiểm hưu trí tự nguyện là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà chủ sử dụng lao động mua cho người lao động. Chính phủ cần tăng mức trần đóng bảo hiểm hưu trí tự nguyện, tức nâng mức khấu trừ thu nhập tính thuế đối với việc tham gia bảo hiểm. Bởi mục tiêu của bảo hiểm hưu trí tự nguyện là đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động khi hết độ tuổi lao động.
8. Cần có hướng dẫn về nộp thuế TNCN khi mua bảo hiểm và nhận quyền lợi bảo hiểm
Cần có hướng dẫn DN bảo hiểm nhân thọ trong việc thực hiện hoạt động khấu trừ 10% phí tích lũy đối với thuế TNCN đối với loại hình bảo hiểm mua cho người lao động, khi quyền lợi trả nhiều kỳ. Trong đó, kỳ trả tiền đầu tiên không trích nộp đủ 10% phí tích lũy; hướng dẫn trích nộp thuế TNCN trong các trường hợp trả tiền bảo hiểm khi người lao động nhận quyền lợi bảo hiểm y tế, tai nạn theo các sản phẩm phụ.
9. Kiến nghị liên quan tới hoạt động phân phối bảo hiểm qua tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài
Đề nghị bổ sung dự thảo Thông tư hướng dẫn với bán bảo hiểm phi nhân thọ, bỏ chế độ đào tạo thường xuyên theo quý vì Luật không quy định; giãn thời gian báo cáo đối với các hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Có quy định về việc tuân thủ báo cáo đối với các đại lý tổ chức trong việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm.
10. Về chế độ kế toán đối với doanh nghiệp bảo hiểm
Cần có lộ trình áp dụng nguyên tắc giá thị trường, để không ảnh hưởng đến biên khả năng thanh toán.