Vì sao doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi giải thích, quy định này trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm vì bất động sản là lĩnh vực rủi ro quá cao.

Thực hiện cam kết của Việt Nam trong kinh doanh bảo hiểm; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan

Sáng nay (5/7), Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 5 luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, bao gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Điện ảnh; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin, Luật có sửa đổi, bổ sung một số nội dung quan trọng như: Bổ sung quy định về thành lập chi nhánh tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung quy định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa 100% cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án…

Luật cũng bổ sung quy định sau khi cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đặt trụ sở chính để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Luật này cũng phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.

Luật bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ,… để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Đáng lưu ý, Luật đã sửa đổi theo hướng bãi bỏ một số bảo hiểm bắt buộc như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Theo Bộ Tài chính, những sửa đổi, bổ sung này nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong kinh doanh bảo hiểm có liên quan đến nước ngoài và để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua

Doanh nghiệp bảo hiểm không được kinh doanh bất động sản nhưng được mua cổ phiếu bất động sản

Ngoài ra, một điểm mới gây chú ý là Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được kinh doanh bất động sản.

Giải thích lý do, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đầu tư kinh doanh bất động sản có thể sinh lời nhưng rủi ro rất cao, trong khi vốn của doanh nghiệp bảo hiểm là do phí của người tham gia bảo hiểm góp vào, nên để đảm bảo quyền lợi của khách hàng thì Luật không cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực rủi ro quá cao.

“Vốn của doanh nghiệp bảo hiểm là do phí của người tham gia bảo hiểm góp vào, nên để đảm bảo quyền lợi của khách hàng thì Luật không cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực rủi ro quá cao”.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi

Theo ông Chi, cách tiếp cận mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm là thay vì quy định doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư cái gì thì chuyển thành quy định không được đầu tư cái gì. Cụ thể ở đây là không được kinh doanh bất động sản do bất động sản là lĩnh vực rủi ro cao.

Tuy nhiên, Luật cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp, báo chí đặt câu hỏi: Luật Kinh doanh bảo hiểm giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản, vậy Bộ Tài chính đã tham mưu về hạn mức này như thế nào để đảm bảo yêu cầu của Luật?

Trả lời, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, quy định này đã tính đến các phát sinh trên thực tế và tính đến rủi ro có thể xảy ra, còn hạn mức bao nhiêu thì vẫn đang tính toán.

Trả lời câu hỏi tiếp theo về hướng xử lý quỹ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện đang có gần 1000 tỷ đồng nhưng Luật không quy định tiếp tục duy trì, ông Chi nói sẽ nghiên cứu một số phương án, trong đó có phương án tiếp tục quản lý quỹ để sử dụng theo mục đích trước đây và một vài phương án khác.

“Chúng tôi sẽ lấy ý kiến nhân dân để lựa chọn phương án hiệu quả nhất”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.

Trước đó, sáng 16/6, với 469/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,18% tổng số đại biểu Quốc hội), Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Luật này gồm 7 chương, 157 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.