Vừa qua, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018 về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống BHXH.
Theo đó, Quyết định này thay thế Quyết định số 3733/QĐ-BHXH ngày 30/6/2008 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống BHXH Việt Nam.
Bảo đảm sự liêm chính và trách nhiệm
Việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống BHXH Việt Nam nhằm xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp; chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc của công chức, viên chức ngành BHXH từ hành chính sang phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và tổ chức, doanh nghiệp. Bảo đảm sự liêm chính và trách nhiệm của công chức, viên chức, góp phần nêu cao đạo đức công chức, viên chức ngành BHXH. Thực hiện công khai quy tắc ứng xử trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội của công chức, viên chức; nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, viên chức trong công tác cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Căn cứ để các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý trách nhiệm khi công chức, viên chức vi phạm các chuẩn mực xử sự trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, đồng thời là căn cứ để nhân dân giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của công chức, viên chức.
Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong hệ thống BHXH Việt Nam quy định, công chức, viên chức, người lao động khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong các hoạt động ngoài xã hội phải thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở, các quy định về quyền và nghĩa vụ của công chức, viên chức, những việc công chức, viên chức không được làm quy định trong Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các quy định pháp luật khác và các chuẩn mực xử sự trong bản tại Quy tắc của công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống BHXH Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 889/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam).
Nêu cao đạo đức công vụ
Các chuẩn mực xử sự của công chức, viên chức, người lao động trong thi hành nhiệm vụ, công vụ bao gồm các nội dung về: Thời gian làm việc; Trang phục, tác phong; chuẩn mực xử sự trong cơ quan, đơn vị; Chuẩn mực xử sự trong quan hệ, giao dịch với cơ quan, tổ chức và người dân; Chuẩn mực xử sự đối với cá nhân, đồng nghiệp; Hành vi, xử sự trong hội họp, sinh hoạt tập thể; Bảo vệ bí mật và kỷ luật phát ngôn; Quy định về sử dụng tài sản công.
Chuẩn mực xử sự trong cơ quan, đơn vị, yêu cầu công chức, viên chức, người lao động tuân thủ kỷ cương, ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành pháp luật, các nội quy, quy tắc, quy định của Ngành, của cơ quan, đơn vị. Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, nêu cao đạo đức công vụ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tận tụy; trong giải quyết công việc bảo đảm kịp thời, chính xác. Thường xuyên học tập, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; chủ động, sáng tạo và có ý thức phối hợp trong công tác để hoàn thành tốt công việc được giao. Không thoái thác, né tránh công việc; trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi làm sai, làm quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ.
Về Chuẩn mực xử sự trong quan hệ, giao dịch với cơ quan, tổ chức và người dân, cần nhiệt tình, trách nhiệm, liêm chính, chuyên nghiệp trong giải quyết công việc, đáp ứng kịp thời, đầy đủ quyền lợi chính đáng của cơ quan, tổ chức và người tham gia, thụ hưởng chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Ngành; Lắng nghe, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, kịp thời phát hiện, từ chối giải quyết và báo cáo xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi chính sách. Không lợi dụng chức trách nhiệm vụ, vị trí công tác để gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, vụ lợi và nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
Đặc biệt, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước và của Ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Không đăng tải, chia sẻ thông tin, hình ảnh mang tính nội bộ của Ngành, cơ quan, đơn vị lên các trang mạng xã hội. Không tự ý cung cấp văn bản, tài liệu liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị và của Ngành cho các tổ chức, cá nhân ngoài Ngành khi chưa được sự đồng ý của người có thẩm quyền. Chấp hành nghiêm chỉnh Quy chế phát ngôn của Ngành.
Chuẩn mực xử sự trong quan hệ xã hội
Nội dung về Chuẩn mực xử sự của công chức, viên chức trong quan hệ xã hội bao gồm: Hành vi, chuẩn mực xử sự của công chức, viên chức trong quan hệ xã hội; Hành vi, chuẩn mực xử sự tại nơi cư trú; Hành vi chuẩn mực xử sự nơi công cộng yêu cầu công chức, viên chức có trách nhiệm, gương mẫu trong lĩnh vực hoạt động xã hội đang tham gia, chấp hành và tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước và các quy định tại nơi cư trú. Không có hành vi hoặc làm những việc trái với thuần phong mỹ tục và vi phạm quy định pháp luật.
BHXH Việt Nam yêu cầu, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Quy tắc ứng xử đến công chức, viên chức thuộc đơn vị mình và chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc việc triển khai thực hiện Quy tắc này tại đơn vị.
Việc thực hiện Quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ là một trong các tiêu chí để xếp loại thi đua, đánh giá phân loại công chức, viên chức hàng năm. Công chức, viên chức thực hiện tốt Quy tắc ứng xử được xem xét biểu dương, khen thưởng theo quy định. Mặt khác, nếu cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc này, tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Xem chi tiết Quyết định số 889/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống BHXH tại đây:
Theo baohiemxahoi.gov.vn