Nên chuyển sang hình thức mua tự nguyện
Tháng 11/2022, góp ý cho dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới mà Bộ Tài chính xây dựng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất loại bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy do sản phẩm này không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội khi có tỷ lệ chi trả rất thấp.
Thực tế cho thấy, sau nhiều năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy tính đến năm 2019 vẫn ở mức rất thấp, chưa đến 6% (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm), trong khi tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%. Trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ bồi thường với bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ là 2%.
Đề xuất bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy không phải mới. Tháng 7/2022, đề xuất chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm xe máy sang hình thức tự nguyện đã được cử tri một số tỉnh Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu… gửi tới Chính phủ nhằm đảm bảo quyền lợi người dân.
Tỷ lệ bồi thường ở mức thấp chứng tỏ chính sách an sinh từ bảo hiểm bắt buộc xe máy không đạt mục tiêu.
Trước đó, năm 2020, trong kiến nghị gửi lên Bộ Giao thông – Vận tải về việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, cử tri TP. Hà Nội đề xuất bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy. Bộ này có văn bản trả lời rằng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nói chung, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy nói riêng là loại bảo hiểm bắt buộc và đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, nên muốn sửa đổi, bổ sung cần có lộ trình và phải được Quốc hội thông qua.
Nhiều ý kiến từ phía người dân và chuyên gia bảo hiểm đồng tình với đề xuất trên của VCCI, theo đó, người dân nào thấy cần thiết thì họ sẽ tự nguyện mua. Khi bảo hiểm là tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm nào thực sự mang lại lợi ích cho người mua sẽ tồn tại, còn những doanh nghiệp bảo hiểm yếu kém, chỉ chực chờ thu tiền phí mà không nỗ lực chăm sóc khách hàng, cùng lo giúp khách hàng chi trả sẽ bị đào thải, như thế mới đúng quy luật cung – cầu.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng, không chỉ nên bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy, mà cần tiến tới bỏ cả bảo hiểm bắt buộc đối với ô tô và chuyển hết sang hình thức mua tự nguyện, ai tham gia mới có quyền lợi, như vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ đền bù cho khách hàng.
Theo kinh nghiệm quốc tế thì nên giữ
Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm giữ quan điểm nên duy trì bảo hiểm bắt buộc với xe máy.
Dẫn chiếu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, hầu hết các nước áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe ô tô, mô tô, xe máy, thậm chí có những nước áp dụng cả với xe đạp điện. Quy định này được áp dụng ở cả các nước phát triển có số lượng xe mô tô, xe máy thấp như Mỹ (khoảng 8 triệu xe), EU (11,6 triệu xe), hay các nước đang phát triển có số lượng lớn xe mô tô, xe máy tham gia giao thông như Ấn Độ (221 triệu xe), Trung Quốc (trên 90 triệu xe), Indonesia (110 triệu xe), Thái Lan (22 triệu xe).
Hơn nữa, để bảo đảm thực hiện, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore… quy định, việc tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Hiện nay, mô tô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 72 triệu xe, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.
Căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai, Bộ Tài chính đề xuất, giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới do pháp luật có liên quan quy định xe cơ giới bao gồm cả xe ô tô, xe máy.
Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng, không nên bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy, mà nên hướng tới tăng phí, tăng chất lượng phục vụ, giúp chi trả bảo hiểm nhanh gọn hơn.
Là người từng hỗ trợ hàng trăm ca đòi bảo hiểm xe máy bắt buộc nói riêng, xe cơ giới nói chung, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair đặt vấn đề, nếu bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy thì ai sẽ đền bù cho nạn nhân các vụ tai nạn giao thông do loại phương tiện này gây ra?
Về mức chi trả bảo hiểm còn thấp, theo ông Vũ Xuân Thưởng, Giám đốc Ban Bảo hiểm xe cơ giới, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), là do cơ chế chính sách cũ được áp dụng trước tháng 3/2021 quá chặt chẽ. Hy vọng, khi người dân hiểu hơn về chính sách mới, biết đòi bồi thường, công ty bảo hiểm tích cực hỗ trợ khách hàng, chi trả bảo hiểm nhanh gọn… thì số ca được chi trả bảo hiểm sẽ gia tăng.
Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ thẩm định dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Bộ Tài chính cho biết, nếu Bộ Tư pháp thấy có đầy đủ cơ sở pháp lý để bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với chủ xe máy, Bộ sẽ bỏ quy định này ra khỏi dự thảo.
Từ góc nhìn độc lập, luật sư Đỗ Hồng Sơn, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, Điều 8, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về các loại hình bảo hiểm bắt buộc, trong đó có nêu bảo hiểm bắt buộc bao gồm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nhưng không nói rõ xe máy hay ô tô. Điều luật này giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm bắt buộc.
Do đó, nghị định dưới luật được phép quy định chi tiết các nội dung liên quan, bao gồm cả phạm vi áp dụng, nghĩa là có thể lựa chọn áp dụng bảo hiểm bắt buộc đối với ô tô, mà không áp dụng với xe máy.
Trong khi chưa có sự thống nhất cao về việc bỏ bảo hiểm bắt buộc xe máy, nhiều quan điểm cho rằng, trước mắt cần tăng chất lượng phục vụ người tham gia bảo hiểm, tăng cường truyền thông, sau này có thể tính tới giảm phí, nhưng quan trọng vẫn là giúp khách hàng nhận tiền bảo hiểm nhanh gọn để dần xóa bỏ định kiến “bảo hiểm mua dễ, khó đòi”.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn