Thuê ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm đối với bên mua

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), doanh nghiệp bảo hiểm có thể thực hiện thuê ngoài để thực hiện một phần quy trình, hoạt động, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng và duy nhất đối với bên mua bảo hiểm.

Nở rộ dịch vụ bảo hiểm thuê ngoài

Thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng dịch vụ bảo hiểm thuê ngoài ngày càng nhiều. Các dịch vụ bảo hiểm thuê ngoài có thể kể đến như thiết kế sản phẩm, tính toán phí bảo hiểm, tính toán dự phòng, thu phí bảo hiểm, thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Một số hoạt động khác diễn ra khá phổ biến tại các công ty bảo hiểm thời gian qua, đó là thu phí bảo hiểm, thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, hoạt động tuyển dụng, đào tạo, vận hành, quản lý, phát triển đại lý (công việc của các trưởng ban, trưởng nhóm, các tổng đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ). Các hoạt động này cũng được xác định là hoạt động thuê ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm và không phải là hoạt động đại lý, do doanh nghiệp bảo hiểm tự chịu trách nhiệm và bảo đảm theo các yêu cầu về hoạt động thuê ngoài.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành (Luật năm 2000) không có quy định cụ thể về hoạt động thuê ngoài, dẫn đến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa có ý thức về trách nhiệm của mình đối với khách hàng khi thực hiện thuê ngoài, có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, còn tổ chức cung cấp dịch vụ thuê ngoài không có ý thức về việc phải bảo vệ khách hàng tham gia bảo hiểm vì coi đây là khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm.

Bảo vệ bên mua bảo hiểm

Dù có mở rộng hoạt động thuê ngoài ở mức nào thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải đảm bảo mục tiêu tối thượng là bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, đã quy định rõ về hoạt động thuê ngoài là việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam thỏa thuận, giao kết hợp đồng thuê ngoài với tổ chức, cá nhân khác để thực hiện một phần quy trình, hoạt động, trừ các hoạt động như kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Theo Bộ Tài chính, luật được quy định theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm được thuê ngoài thực hiện một phần quy trình, hoạt động của mình và chỉ loại trừ đối với hoạt động mang tính chất cốt lõi đối với doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời quy định các nguyên tắc đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm đối với người tham gia bảo hiểm và hiệu quả, chất lượng của hoạt động thuê ngoài.

Việc loại trừ này mang tính đặc thù, nhằm đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của doanh nghiệp bảo hiểm và hạn chế tối đa ảnh hưởng bất lợi tới người tham gia bảo hiểm, hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc áp dụng đặc thù quy định tại Luật Doanh nghiệp, nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro không được phép thuê ngoài do các hoạt động này là cốt lõi, đảm bảo tính thận trọng trong hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, phòng ngừa rủi ro hệ thống. Đây là kinh nghiệm của một số thị trường tiên tiến như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia… Đặc biệt, dù có mở rộng hoạt động thuê ngoài ở mức nào thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải đảm bảo mục tiêu tối thượng là bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm.

Cụ thể, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định, trường hợp thực hiện thuê ngoài đối với một phần quy trình, hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng và duy nhất đối với bên mua bảo hiểm; thiết lập quy trình thuê ngoài, quy trình quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động thuê ngoài và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý kịp thời rủi ro phát sinh từ việc thuê ngoài, đặc biệt là rủi ro liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm; tạm dừng thực hiện, điều chỉnh hoặc chấm dứt hoạt động thuê ngoài trong trường hợp phát hiện hoạt động thuê ngoài có ảnh hưởng bất lợi đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm…

Luật mới được ban hành trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Singapore, Úc, Canada, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ…, đó là doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm cuối cùng và duy nhất đối với bên mua bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải ban hành quy chế về quản lý rủi ro đối với hoạt động thuê ngoài; phải có hợp đồng thuê ngoài được lập thành văn bản và có các điều khoản tối thiểu theo quy định của cơ quan quản lý; hoạt động thuê ngoài phải bảo đảm bảo mật dữ liệu và thông tin của khách hàng…

Với hoạt động thuê ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có các nghĩa vụ sau:

– Xây dựng quy chế quản lý hoạt động thuê ngoài, trong đó có các quy định về phạm vi các hoạt động có thể thuê ngoài, khung đánh giá rủi ro liên quan, tiêu chí phê duyệt các hợp đồng thuê ngoài và điều kiện đối với bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật.

– Thiết lập quy trình thuê ngoài, quy trình quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động thuê ngoài và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý kịp thời rủi ro phát sinh từ việc thuê ngoài, đặc biệt là rủi ro liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

– Tạm dừng thực hiện, điều chỉnh hoặc chấm dứt hoạt động thuê ngoài trong trường hợp phát hiện hoạt động thuê ngoài có ảnh hưởng bất lợi đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

– Có phương án dự phòng bảo đảm hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn trong trường hợp bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài không thể thực hiện hoặc không thực hiện đúng trách nhiệm đối với hoạt động thuê ngoài theo quy định tại hợp đồng thuê ngoài.

– Thường xuyên kiểm tra, giám sát bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài trong quá trình thực hiện thỏa thuận thuê ngoài nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện theo quy định tại hợp đồng thuê ngoài. Bên cung cấp dịch vụ thuê ngoài phải bảo đảm tự thực hiện tối thiểu 75% giá trị công việc nhận thuê ngoài.

– Bảo mật dữ liệu và thông tin của khách hàng theo quy định của pháp luật.

(Lược trích Khoản 2, Điều 90, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.