Khó dự phòng bảo hiểm liên quan tới Covid

Đại dịch Covid-19 là yếu tố khó lường, nên việc tính toán dự phòng rủi ro cho sản phẩm bảo hiểm liên quan tới dịch bệnh này cũng gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, có 30/32 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, nhưng chỉ một số doanh nghiệp dẫn đầu thị phần nghiệp vụ này như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Bảo Minh là triển khai cho cả khách hàng tổ chức lẫn cá nhân nhằm khai thác triệt để nguồn khách hàng.

Bảo hiểm sức khỏe cũng là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu, đạt 31,1% (tính đến cuối năm 2021), cho dù triển khai muộn hơn so với các nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống khác (từ năm 2006), tiếp sau đó là nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới (27,9%).

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, việc thăm khám, điều trị trực tiếp trở nên khó khăn nên nhiều DNBH đã đơn giản hóa hồ sơ bồi thường, mở rộng điều kiện, điều khoản các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe để bảo hiểm cho các chi phí khám, chi phí thuốc khi khách hàng sử dụng dịch vụ thăm khám trực tuyến của các bệnh viện cũng như các nhà cung cấp dịch vụ này như DoctorAnywhere, Mydoc, Jio Health…

Động thái này mang đến sự thiết thực cho khách hàng, nhưng với loại dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên diện rộng như Covid-19, DNBH đẩy mạnh triển khai các sản phẩm liên quan tới Covid nhiều khả năng sẽ phải đối diện với mức chi trả bồi thường cao nếu không đủ năng lực dự báo cũng như tính toán dự phòng rủi ro nghiệp vụ. Bởi trên thực tế, có trường hợp nhà bảo hiểm đang đứng trước khả năng tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng bồi thường cho sản phẩm này.

Bà Nguyễn Thanh Vân, Ban Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, việc tính toán và lập các khoản dự phòng bồi thường trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin cân đối số tiền dự phòng với các khoản bồi thường sẽ phải thanh toán trong tương lai.

“Việc định phí các sản phẩm, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe cho năm 2022 và những năm sau đó là một bài toán khó. Trong quá trình định phí, các DNBH thường sử dụng các số liệu về chi phí y tế, mức độ/tần suất sử dụng và các nhóm rủi ro hiện hữu… vốn có thể thay đổi theo khu vực địa lý cũng như tính chất của từng sản phẩm. Chưa kể, trong thời dịch, các yếu tố kể trên trở nên phức tạp và khó tính toán hơn do số liệu thu thập được chưa thể hiện đúng tính chất và mối liên kết trong tương lai – khi dịch bệnh qua đi và người dân trở lại cuộc sống bình thường (khó tính toán tần suất sử dụng dịch vụ y tế của người dân, khó xác định tác động của dịch đối với những người đã dương tính, nguy làn sóng dịch mới bùng phát khi chưa thể kiểm soát hoàn toàn…)”, bà Vân nói.

Nhiều chuyên gia phụ trách mảng bảo hiểm sức khỏe cũng cho hay, các chi phí điều trị và xét nghiệm Covid còn thiếu nhất quán và độ tin cậy do đây là loại bệnh đường hô hấp mới xuất hiện (từ năm 2020), nên các hình thức xét nghiệm và điều trị bệnh đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện. Các chi phí y tế phát sinh liên quan đến Covid hiện nay cho mỗi ca điều trị cũng không giống nhau, phụ thuộc vào hình thức điều trị, tình trạng của từng bệnh nhân…, dẫn đến việc DNBH khó tính toán chi phí bồi thường trung bình mỗi ca (trong trường hợp không được Nhà nước hỗ trợ các chi phí này).

Theo các chuyên gia bảo hiểm sức khỏe của Bảo hiểm Bảo Việt, để hạn chế rủi ro, DNBH cần xây dựng nhiều kịch bản rủi ro để từ đó tính toán dự phòng phù hợp, đảm bảo ổn định hoạt động kinh doanh trong dài hạn, một số yếu tố có thể xem xét như khả năng có thêm làn sóng Covid hay virus mới, mức độ trì hoãn sử dụng các dịch vụ y tế, mức độ tác động tới người dân sau dịch, các phương thức điều trị, xét nghiệm mới…

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.