Bốn rủi ro của kênh bancassurance

Kênh bancassurance đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng giới chuyên gia cũng chỉ ra một số rủi ro, thách thức các doanh nghiệp bảo hiểm đang phát triển kênh này cần nhận diện và khắc phục.

Thống kê cho thấy, hiện có hơn 40% số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới đến từ kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance), 8 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu bancassurance trên 1.000 tỷ đồng.

Chia sẻ tại một diễn đàn kinh tế – tài chính, bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn từ năm 2019 – 2021, tỷ trọng doanh thu kênh bancassurance chỉ chiếm khoảng 7% tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng tốc độ tăng trưởng luôn khoảng 10%/năm.

Đối với lĩnh vực nhân thọ thì đóng góp của kênh ngân hàng ấn tượng hơn, với tốc độ tăng trưởng doanh thu phí mới đạt trung bình 55%/năm trong giai đoạn này, đạt gần 37.000 tỷ đồng vào năm 2021, chiếm tỷ trọng khoảng 23% tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua tất cả các kênh phân phối.

Theo bà Phương, doanh thu khai thác qua ngân hàng đã góp phần đáng kể trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao và ổn định của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ trong vài năm trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%.

Bancassurance ra đời và phát triển rất nhanh trong thời gian qua đã góp phần tăng khả năng tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tỷ lệ khách hàng hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng chỉ ngang bằng, thậm chí thấp hơn một chút so với tỷ lệ hủy bỏ trung bình của các kênh phân phối khác.

Doanh thu phí mới của khối nhân thọ qua kênh ngân hàng năm 2021 đạt gần 37.000 tỷ đồng.

Với tình hình hợp tác giữa các công ty bảo hiểm và các ngân hàng như hiện nay, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm tin rằng trong thời gian sắp tới, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vẫn duy trì được tốc độ phát triển ấn tượng.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, để phát triển tốt hơn nữa, doanh nghiệp bảo hiểm cần duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng và việc này liên quan đến tất cả các dịch vụ về bán hàng lẫn sau bán hàng, bởi những dịch vụ khách hàng này vẫn tồn tại những hạn chế cần được cải thiện.

“Doanh nghiệp bảo hiểm có thể phối hợp cùng Hiệp hội Bảo hiểm và Hiệp hội Ngân hàng để tổ chức các chương trình giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức, giúp khách hàng hiểu rõ việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là chương trình tự nguyện, hoàn toàn không mang tính chất ép buộc”, bà Phương nói.

Thực tế, đà tăng trưởng phí bảo hiểm đến từ kênh bancassurance được đánh giá sẽ tiếp tục tăng tốc không chỉ ở Việt Nam mà cũng là xu hướng chung trên thế giới. Thống kê của tổ chức Imarc, thị trường bancassurance trên thế giới hiện năm 2021 ước tính đạt 1.270 tỷ USD và dự báo đạt 1.800 tỷ USD sau khoảng 9 năm, tức năm 2027.

Nhìn nhận thực tế phát triển bancassurance tại thị trường Việt Nam thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đã chỉ ra 4 rủi ro, thách thức rất quan trọng mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang phát triển kênh này cần nhận diện và khắc phục.

Thứ nhất, chất lượng tư vấn của nhân viên ngân hàng, kể cả nhân viên bảo hiểm trong việc tư vấn cho khách hàng để bán và cung cấp dịch vụ hậu mãi sau bán hàng đối với với sản phẩm chưa thực sự tốt.

Thứ hai là xảy ra xung đột lợi ích và tính hiệu quả khi tổ chức tín dụng ngân hàng triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm.

“Nhân viên ngân hàng đứng giữa ngã ba đường, băn khoăn rằng mình sẽ ưu tiên công việc nào hơn nghiệp vụ ngân hàng hay bán bảo hiểm. Đây là vấn đề cần phải tháo gỡ trong thời gian tới”, ông Lực nói.

Thứ ba là rủi ro về lan truyền. Mối quan hệ giữa ngân hàng với bảo hiểm nếu xảy ra rủi ro, ví dụ lỗ lớn ở ngân hàng đó, hay công ty bảo hiểm thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến đại lý, ảnh hưởng đến đối tác của những công ty bảo hiểm, hoặc ảnh hưởng đến công ty con của ngân hàng mẹ, hoặc của công ty bảo hiểm mẹ đó.

Điều cuối cùng là liên quan đến cơ sở dữ liệu, đặc biệt là liên quan đến thông tin bảo mật của khách hàng. Ở Việt Nam, chuyển đổi số tương đối tích cực trong thời gian qua nhưng cơ chế cho phép chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các bên với nhau hay không vẫn chưa được thông suốt, chưa được rõ ràng.

“Cơ quan quản lý cũng cần sớm có quy định cho phép chia sẻ thông tin, dữ liệu để nắm bắt nhu cầu của khách hàng cũng như kiểm soát rủi ro và thông tin an toàn bảo mật được đảm bảo tốt hơn”, ông Lực đề xuất.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.