Xu hướng bancassurance

Nhìn nhận tiềm năng từ thị trường bảo hiểm, đặc biệt bảo hiểm phi nhân thọ, đang thu hút các ông chủ nhà băng lao vào cuộc đua mới mang tên “Bancassurance”. Thực ra dịch vụ này đã từng bùng nổ vào những năm 2006, sau đó đi vào im ắng, do NH đi vào giai đoạn tái cơ cấu. Lợi ích mang lại không thể phủ nhận, nhưng để thành công từ bancassurance cũng gặp thách thức không lớn.

Làn sóng hợp tác kinh doanh

Chỉ trong một thời gian ngắn đầu năm 2015, hàng loạt NH tuyên bố hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Chẳng hạn TPBank hợp tác kinh doanh với Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long. Trước đó, BacABank cùng với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam cũng bắt tay hợp tác kinh doanh.

Đây là tập đoàn bảo hiểm được thành lập tại Italia và đứng đầu tại nhiều nước ở khu vực Trung-Tây Âu với với hơn 70% doanh thu phí bảo hiểm đến từ các thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, BacABank còn thỏa thuận hợp tác với Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO). Còn nhiều trường hợp khác được kể đến như OCB với Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Eximbank với Bảo Minh, HDBank với Dai-ichi Life Việt Nam… đang tạo nên làn sóng hợp tác kinh doanh giữa các NH và DNBH.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia, làn sóng hợp tác giữa các NH và DNBH sẽ ngày càng nóng lên trở thành xu thế mới, bởi lợi ích mang lại cho các bên là rất lớn.

Ngược lại, DNBH cũng tiến hành hợp tác với nhiều NH khác nhau, như Bảo Long đang hợp tác với ACB, Eximbank, Sacombank, SCB, TPbank. Ông Phan Quốc Dũng, Tổng Giám đốc Bảo Long, cho biết doanh nghiệp đã có kinh nghiệm triển khai bancassurance trong nhiều năm qua, do vậy đã có sự chuẩn bị chặt chẽ để sẵn sàng hợp tác các hoạt động bancassurance.

Bancassurance (banca + assurance) là một thuật ngữ tiếng Pháp, dùng để chỉ việc bán sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống NH. Bancassurance chính thức xuất hiện đầu tiên tại Pháp, sau đó phát triển mạnh mẽ ở châu Âu vào những năm đầu tiên của thế kỷ 21 và trở thành kênh phân phối chính cho các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Tại Việt Nam, bancassurance xuất hiện từ năm 1993 khi BIDV hợp tác HSBC.

Mãi đến năm 2006, sự kết hợp này mới thực sự bùng nổ, khởi đầu là HSBC kết hợp với Bảo Việt, BIDV với AIA, sau đó nhiều trường hợp như Techcombank và Bảo Việt (năm 2006), ABBank và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prévoir Việt Nam (2008), ACB và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prévoir Việt Nam (2009), MaritimeBank (cũ) và Prudential (2010), ACB liên kết với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam (2010), Sacombank phối hợp Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (2012). Tuy nhiên, sự liên kết trước đây của NH với DNBH chỉ ở cấp độ đại lý thu hộ.

Hiện nay, bancassurance đã được nâng lên bước mới với các sản phẩm đa dạng hơn. Chẳng hạn Generali Việt Nam sẽ cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hỗn hợp và bảo hiểm liên kết chung cho khách hàng tại BacABank. Dù đã có BIDV hậu thuẫn, BIC vẫn hợp tác với OCB phân phối gần 20 sản phẩm bảo hiểm của BIC tại các điểm giao dịch của OCB trên toàn quốc. Hay Dai-ichi Life Việt Nam sẽ là đối tác duy nhất cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe gắn với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua mạng lưới HDBank trên toàn quốc.

Tiềm năng còn lớn

Hiện tại, SCB đang sở hữu hơn 60% cổ phần tại Bảo hiểm Bảo Long. Ông Võ Tần Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, cho biết phí thu từ đơn vị bảo hiểm 6 tháng đầu năm đóng góp hơn 300 tỷ đồng cho SCB. Theo ông Văn, tốc độ phát triển của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay rất tốt, nhưng thị trường còn ở giai đoạn sơ khởi. Sắp tới Nhà nước sẽ có nhiều chính sách để thúc đẩy thị trường phát triển vào phạm vi bảo hiểm tài sản. Đối với hoạt động bảo hiểm nhân thọ thường liên quan đến thu nhập, nên người mua thường cân nhắc, nhưng bảo hiểm phi nhân thọ về tai nạn, tài sản và con người cũng như sự ổn định của doanh nghiệp và nền kinh tế, nên được nhiều NH nhìn nhận tiềm năng còn rất lớn.

Tại đại hội thường niên vừa qua, lãnh đạo Sacombank cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường bảo hiểm và lên kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm với mục đích đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, sử dụng tối đa nguồn vốn để tái đầu tư và khai thác triệt để mạng lưới hoạt động, các khách hàng của NH và công ty con. Dự kiến Sacombank sẽ thành lập công ty bảo hiểm dưới hình thức liên doanh nước ngoài với phần góp vốn 500 tỷ đồng và công ty bảo hiểm phi nhân thọ với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, nhìn nhận bancassurance là hình thức đa dạng hóa danh mục sản phẩm NH cung cấp cho khách hàng của mình. Sự kết hợp này còn bảo vệ cho khách hàng của NH và gia tăng lợi ích của các bên. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, bancassurance mang lại lợi ích cho cả NH và các DNBH. Đối với DNBH sẽ có cơ hội tiếp cận được lượng khách hàng lớn từ NH và bán bảo hiểm thông qua mạng lưới của NH. Việc sử dụng kênh phân phối còn giúp họ tiết kiệm được lượng lớn chi phí mở rộng hệ thống và nhân viên.

Lợi ích về phía NH cũng không hề nhỏ khi có thêm sản phẩm cung cấp cho khách hàng trong môi trường cạnh tranh, có thêm nguồn vốn huy động thông qua việc thu phí bảo hiểm từ khách hàng, từ hợp tác với đơn vị bảo hiểm. Đặc biệt, bancassurance sẽ giúp NH tăng thu dịch vụ đến từ nhóm khách hàng cá nhân, phục vụ chiến lược NH bán lẻ có rủi ro về nợ xấu không lớn như khách hàng doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng gặp khó khăn.

Việc nhiều NH tiến hành mua lại công ty bảo hiểm, thành lập công ty bảo hiểm, hợp tác nhiều đơn vị bảo hiểm cùng một lúc như hiện nay đang gợi nhớ về sự bùng nổ của giai đoạn 2006, sau đó lại đi vào im ắng. Bởi bancassurance mang lại nhiều lợi ích nhưng thách thức cũng không nhỏ. Có thể giai đoạn hiện nay, các NH đã nhìn nhận nghiêm túc hơn về xu hướng kết hợp này thay vì chỉ dừng lại ở việc đánh bóng thương hiệu. Để tiến đến mục tiêu NH bán lẻ như chiến lược của nhiều nhà băng hiện nay, việc “lấn sân” sang thị trường bảo hiểm đang mở ra một cuộc đua mới.

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo saigondautu.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.