Tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT

Sáng 12/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 15/2015/TT-BYT ngày 26/6/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện khám chữa bệnh (KCB) BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn dự và chỉ đạo Hội thảo.

Dự thảo Thông tư gồm 5 chương, 11 điều hướng dẫn thực hiện BHYT đối với người nhiễm HIV và khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và điều trị bệnh nhân HIV/AIDS đã đạt được những kết quả tích cực. Số ca mắc mới không tăng nhiều; số ca đang điều trị có biểu hiện tích cực, bệnh tình giảm nhẹ, không nặng thêm, chủ yếu số ca đang điều trị phác đồ bậc 1, số ca điều trị bậc 2,3 không nhiều; kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Nguồn tài chính để thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS từ trước đến nay chủ yếu được sử dụng từ nguồn viện trợ nước ngoài. Hiện nay khi Việt Nam đã được công nhận là nước có mức sống trung bình thì nguồn tài chính từ viện trợ nước ngoài sẽ giảm dần, thay vào đó là nguồn NSNN và từ quỹ BHYT.

Ngày 26/6/2015 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BYT hướng dẫn khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và sử dụng dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Sau 2 năm thực hiện, Thông tư đã giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản trong tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV. Các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã kiện toàn đảm bảo đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh. Đến nay, đã có 296 cơ sở đã ký hợp đồng KCB BHYT với BHXH và 221 cơ sở đã thanh toán dịch vụ KCB cho người bệnh nhiễm HIV/AIDS. Số người nhiễm HIV đang điều trị HIV là 119.555 người, trong đó số người bệnh có thẻ BHYT khoảng là 66%. Các phòng khám ngoại trú đang tiếp tục kiện toàn để có đủ điều kiện là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và ký hợp đồng với cơ quan BHXH các cấp để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Người nhiễm HIV đang điều trị tại các phòng khám từng bước được cấp thuốc tại trạm y tế xã tạo điều kiện thuận lợi đối với người bệnh.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện Thông tư 15, do tác động của một số các văn bản mới ban hành nên cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong trong quá trình thực hiện Thông tư như: Để được thanh toán BHYT thì người bệnh phải tham gia BHYT, nhưng một số người mắc HIV/AIDS hoặc gia đình người nhiễm HIV/AIDS không đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT theo hộ gia đình; năm 2016, người bệnh được thông tuyến khám chữa bệnh tại tuyến huyện, bệnh viện huyện trong cả nước cũng có tác động đến quản lý điều trị HIV/AIDS; một số vướng mắc khác như chuyển xét nghiệm CD4, tải lượng vi rút không phải cơ sở nào cũng làm được mà phải chuyển đến cơ sở khác thực hiện nhưng khi thanh toán BHYT thì chưa có quy định này …     

Nhằm khắc phục vướng mắc, phù hợp với các văn bản mới ban hành và chính sách mới hỗ trợ đối với người bệnh HIV/AIDS để người bệnh nhiễm HIV tiếp cận tốt hơn đối với chính sách BHYT. Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch để xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 15/2015/TT-BYT.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đề nghị, các đại biểu tham dự Hội thảo, theo phạm vi, lĩnh vực chuyên môn tích cực đóng góp nhiều ý kiến đối với Dự thảo Thông tư, để khi Thông tư được ban hành sẽ thuận lợi trong tổ chức thực hiện và phù hợp với thực tế của từng địa phương, đơn vị.

Đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 15 bổ sung một số nội dung mới về đối tượng tham gia, phương thức đóng BHYT, thẻ BHYT, đăng ký KCB BHYT ban đầu, về khám bệnh, chữa bệnh,…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc đăng ký mua thẻ BHYT cho người mới, người chưa điều trị ARV tại các cơ sở (phát hiện mới tại cộng đồng); thẻ BHYT có ảnh trong trường hợp người bệnh không có giấy tờ tùy thân; trường hợp người đang điều trị ARV đi công tác có thời hạn, làm việc lưu động, đi học tập trung tại địa phương khác dài hơn thời gian cấp thuốc ARV ngoại trú hoặc tạm trú có thời hạn trên 6 tháng thì người bệnh được KCB HIV/AIDS tại cơ sở KCB HIV/AIDS tương đương tuyến kỹ thuật ghi trên thẻ BHYT; trường hợp gửi đi làm xét nghiệm: gửi người bệnh trực tiếp đến cơ sở y tế khác hay chỉ áp dụng một hình thức là cơ sở gửi mẫu xét nghiệm,…/.

theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.