“Không sửa, không bổ sung gì hết”

Việc sửa hay không sửa Điều 60 Luật BHXH đã làm không khí nghị trường nóng rực trong một cuộc tranh luận nảy lửa. QH gần như chia rõ thành 2 luồng ý kiến.

Là người phát biểu đầu tiên, ĐBQH Nguyễn Kim Thúy đặt câu hỏi ngay từ chuyện điều luật “chưa tác động, chưa ảnh hưởng” cho đến sự hoài nghi việc số tiền BHXH hưởng 1 lần có cải cách đời sống của người lao động (NLĐ). Bà Thúy cho rằng Điều 60 là đúng đắn trong khi nguyên tắc đáng lẽ phải là “có sai mới sửa”. “Tốt nhất đề nghị QH ra nghị quyết cho phép NLĐ sau 1 năm nghỉ việc được lựa chọn bảo lưu hoặc hưởng BHXH một lần” – bà Thúy đề nghị.

Hai ý kiến sau đó cũng ca ngợi ý nghĩa nhân văn cũng như nêu cái lợi của việc thực hiện Điều 60. Và đỉnh điểm là phát biểu nghị trường của ĐBQH Lê Đình Khanh. Bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của bộ phận NLĐ muốn lĩnh BHXH 1 lần, nhưng ông Khanh cho rằng, đó là cái lo trước mắt, chưa thấy cái lợi lâu dài. Lấy ví dụ thực tế là quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cũng từng gây phản ứng dữ dội, ông Khanh nói “các chính sách không bao giờ thỏa mãn 100% các đối tượng, dù hoàn thiện, đúng đắn đến mấy cũng có ý kiến trái chiều hoặc không đồng tình” và vì thế ông kiên quyết cho rằng “không sửa, không bổ sung gì hết… Chúng ta phải tiếp tục tuyên truyền rộng hơn để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, mọi trở ngại sẽ qua”.

Công nhân Cty Pouchen ngừng việc phản ứng Điều 60 Luật BHXH. Ảnh: T.L 

Phải đặt mình trong hoàn cảnh NLĐ

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương thì đặt ngược lại vấn đề: “Nói luật ban hành đúng là không hợp lý. Đúng thì người lao động đã không phản ứng và chúng ta đã không phải sửa đổi. Buồn cho QH ban hành luật mà nhân dân không đồng tình”. Chuyên gia pháp luật của QH, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng Luật BHXH đã chưa quan tâm đầy đủ đến lợi ích của các bộ phận khác nhau, dù là thiểu số, và “tước bỏ quyền lựa chọn về quyền lợi của họ”. Luật sư Nghĩa nói ông ủng hộ đề nghị của Chính phủ về việc sửa luật: “Có hiệu lực có thể sửa. Và chưa có hiệu lực càng có thể sửa, càng cần phải sửa”.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã kể lại chuyến thăm của bà ngay trước kỳ họp QH và ở các cuộc gặp đó, bà chứng kiến tận mắt những NLĐ xanh xao mệt mỏi phải chi rất nhiều khoản từ thuê trọ, gửi con, tiền điện, tiền nước và khi ghé chợ lề đường chỉ dám mua mớ rau, miếng đậu hũ, cùng lắm là quả trứng, con cá khô. Bà nói: “Có ghé chợ mới hiểu vì sao NLĐ lại đặt ra vấn đề này. Bởi với người này một vài triệu hưởng BHXH một lần là ít nhưng với NLĐ, vài triệu là một tài sản mà họ phải lao động cật lực mới có được”. Và bà Tâm khẳng định hai “chân lý”: “Nói điều luật là có lợi hay không phải đặt trong hoàn cảnh của họ. Việc họ muốn có một sự an toàn là chính đáng và phải được pháp luật bảo vệ”.

Đã sai là phải sửa

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng ngay sau đó đưa ra một ví dụ về 2 NLĐ cùng tốt nghiệp, cùng làm việc, cùng đóng BHXH như nhau và sau 30 năm đóng BHXH thì người làm việc trong khu vực quốc doanh lĩnh lương gấp 2 lần người làm ở khu vực ngoài nhà nước. Ông Tùng gọi đây là điều “bất công”, là “không thể chấp nhận được”. “Chúng ta không chỉ sửa một điều luật mà được. Chúng tôi kiến nghị tạm thời chưa thực hiện Luật BHXH vì trong đó còn có sự phân biệt đối xử với NLĐ. Nếu cứ cố làm, chính QH chúng ta sẽ mang tiếng”. Huống chi, theo ông Tùng, chúng ta còn chưa biết NLĐ suy nghĩ thế nào trong việc quản lý quỹ BHXH hiện nay.

ĐBQH Ngô Văn Minh ngay sau đó cũng đặt nghi vấn vào việc “có chuyện vỡ quỹ BHXH hay không? Có phải vì vấn đề NLĐ đòi hưởng BHXH 1 lần ngày một tăng nên dùng chính sách áp đặt, bắt họ không được hưởng một lần? Vị Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH cũng cho rằng Điều 60 là điều hết sức đáng tiếc, bởi đây là “một điều luật thay đổi chính sách quan trọng đang thực hiện ổn định rất nhiều năm nhưng đã không xem xét một cách thấu đáo”. Theo ông, vì lợi ích của người lao động, dù là thiểu số, thì đã sai là phải sửa.

Ông Minh cũng đề nghị “nếu BHXH không sợ mất tiền” thì cho người lao động thêm một sự lựa chọn nữa là có thể rút tiền BHXH ra giải quyết khó khăn trước mắt và nếu muốn họ có thể đóng trở lại. Tức là BHXH coi đó là một khoản vay không lãi!

Nên để cho người lao động có quyền chọn lựa

Chị Nguyễn Thị Tươi – CN Cty TeaKwang Vina (Biên Hoà, Đồng Nai) cho rằng: “QH nên sửa đổi luật theo hướng quy định cho NLĐ có quyền lựa chọn được nhận trợ cấp BHXH một lần hay bảo lưu chờ nhận lương hưu. 20 năm trước, khi đủ 18 tuổi, tôi bắt đầu vào làm cho Cty TeaKwang Vina. Năm nay tôi mới 38 tuổi và đã có 20 năm tham gia BHXH. Nếu tôi phải chờ thêm 17 năm nữa mới được nhận trợ cấp BHXH một lần thì thời gian đó quá lâu. Đó là chưa kể giá trị tiền năm nay chắc chắc sẽ khác xa giá trị tiền 17 năm nữa”.

Chị Lê Thị Nhân – cũng làm công nhân Cty TeaKwang Vina được 20 năm, phân tích thêm: “Rất nhiều nữ CN không đủ sức khoẻ để làm việc trong nhà máy đến đủ 55 tuổi để về hưu. Hầu hết sau khi rời nhà máy, họ trở lại quê hương hay tìm cách buôn bán lặt vặt để kiếm sống và không tham gia BHXH nữa. Khi đó, họ lại phải chờ đến 55 tuổi mới được nhận trợ cấp một lần thì khổ quá.

Ông Nguyễn Thanh An – Chủ tịch CĐCS Cty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TPHCM), phân tích, đa số NLĐ đến làm việc tại Cty nói riêng và TPHCM nói chung là LĐ nhập cư. Họ chỉ làm một số năm khi tuổi còn trẻ rồi lại về quê sinh sống trong khi không có tiền tích luỹ, nên họ rất cần có một số vốn để làm ăn. Vì vậy, luật nên để ngỏ quy định cho NLĐ có quyền chọn lựa bảo lưu thời gian tham gia BHXH hay hưởng trợ cấp một lần.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo laodong.com.vn)