Những vấn đề chung về bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Câu hỏi 240: Đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm trách nhiệm dân sự là gì? DNBH có bảo hiểm cho trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính không?

Trả lời:

a) Đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm TNDS nói chung là TNDS – những hậu quả pháp lý mà luật dân sự quy định đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ dân sự nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự đó và vì thế phải chịu trách nhiệm đối với bên có quyền (tổ chức, cá nhân khác).

Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (bên có nghĩa vụ) phải  chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (bên có quyền). Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Trong các hậu quả pháp lý theo quy định về TNDS có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo điều 307, mục 3, chương XVII, Bộ Luật dân sự CHXHCN Việt nam, trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bù đắp tổn thất về tinh thần:

–         Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút.

–         Trách nhiệm bù đắp tổn thất về tinh thần: người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.

Như vậy, đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm TNDS nếu nói cụ thể hơn chính là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được bảo hiểm phát sinh theo quy định về TNDS của luật pháp.

b) Bảo hiểm trách nhiệm nhìn chung không bảo hiểm cho các loại trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính.

Câu hỏi 241: Thế nào là trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ?

Trả lời:

–  Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng đ­ược xác định dựa trên cơ sở các nghĩa vụ dân sự hình thành theo thoả thuận giữa các bên trong một hợp đồng. Bên có nghĩa vụ dân sự đã cam kết trong hợp đồng mà không thực hiện hoặc thực hiện khômg đúng nghĩa vụ đó sẽ phải bồi thường cho bên kia.

– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm phát sinh trên cơ sở các nghĩa vụ dân sự do luật dân sự quy định cho các chủ thể. Hành vi gây hại không liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của bất kỳ hợp đồng nào. Việc xác định trách nhiệm bồi thường dựa trên cơ sở quy định chung của luật dân sự.

▪ Ví dụ: xe tải chở hàng theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa giữa chủ xe tải và chủ hàng. Xảy ra sự cố trên đường do lỗi của chủ xe tải dẫn đến thiệt hại của hàng chuyên chở; thiệt hại về xe và người của một người đi xe máy. Trường hợp này đã phát sinh trách nhiệm của chủ xe tải ở cả 2 loại: trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa đối với thiệt hại của chủ hàng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với thiệt hại của người đi xe máy.

Câu hỏi 242: Trên thị trường bảo hiểm Việt nam hiện nay các DNBH đang cung cấp những loại sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự nào?

Trả lời:     

Có nhiều loại sản phẩm TNDS, đó là:

–         Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với ngư­ời thứ ba;

–         Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đối với hành khách;

–         Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe đối với hàng hoá vận chuyển;

–         Bảo hiểm trách nhiệm đối với người thứ ba của doanh nghiệp xây dựng;

–         Bảo hiểm trách nhiệm dân sự  của chủ tàu biển;

–         Bảo hiểm trách nhiệm trong bảo hiểm đóng tàu;

–         Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu thuyền khác (tàu ven biển, tàu sông, tàu cá..);

–         Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hành khách, hàng hóa dễ cháy, dễ nổ trên đường thủy nội địa;

–         Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển tổng hợp;

–         Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không;

–         Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp  trong các lĩnh vực như­ là t­ư vấn pháp luật, t­ư vấn tài chính, kiểm toán, tư vấn đầu tư, thiết kế xây dựng, cung cấp dịch vụ y tế, môi giới chứng khoán, môi giới bảo hiểm…;

–         Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ sử dụng lao động;

–         Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm;

–         Bảo hiểm trách nhiệm công cộng;

–         Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc, nhân viên;

–         Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ vật nuôi.

….

Câu hỏi 243:  Đối với HĐBH TNDS, người được DNBH bồi thường là người tham gia bảo hiểm hay là nạn nhân bị thiệt hại về người và/ hoặc tài sản trong sự kiện bảo hiểm?

Trả lời :   

–  Tổ chức, cá nhân có tài sản hoặc tính mạng, sức khỏe trực tiếp bị thiệt hại trong các sự kiện bảo hiểm được gọi là bên thứ ba của HĐBH TNDS.

–  Ng­ười đ­ược bảo hiểm là tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại của bên thứ ba theo quy định về TNDS của luật pháp (thông thường đó chính là người ký kết HĐBH).

–  Khi phát sinh sự cố được bảo hiểm, ng­ười đ­ược bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba theo quy định về trách nhiệm dân sự còn DNBH có trách nhiệm bồi thường cho ng­ười đ­ược bảo hiểm theo thoả thuận của HĐBH. Cũng có trường hợp theo pháp luật hoặc thoả thuận của HĐBH, DNBH bồi th­ường trực tiếp cho bên thứ ba.

▪ Ví dụ: Hãng cung cấp gas tham gia bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, xảy ra vụ nổ bình gas, gây thiệt hại về tài sản và tính mạng, sức khỏe cho hộ gia đình sử dụng bình gas. Nếu vụ nổ thuộc phạm vi bảo hiểm thì hãng cung cấp gas (người được bảo hiểm) sẽ được DNBH bồi thường một phần hoặc toàn bộ số tiền mà hãng đó phải bồi thường cho hộ gia đình (bên thứ ba) có tài sản và người trực tiếp bị thiệt hại trong vụ nổ.

Câu hỏi 244:  Có sự khác nhau giữa trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm đối với thiệt hại của bên thứ ba và trách nhiệm bồi thường của DNBH đối với người được bảo hiểm  không?

Trả lời:           

Tùy theo thỏa thuận của HĐBH và nhìn chung:

–  Phạm vi các loại thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm đối với thiệt hại của bên thứ ba có thể rộng hơn so với các loại thiệt hại mà DNBH có trách nhiệm bồi thường.

▪ Ví dụ: Nếu là bảo hiểm cho loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của người được bảo hiểm, khi bên thứ ba bị thiệt hại về tài sản, theo quy định của luật dân sự CHXHCN Việt nam về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người được bảo hiểm phải bồi thường:

  1. Tài sản bị mất
  2. Tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng
  3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản
  4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại

     Tuy nhiên, tùy theo từng loại sản phẩm mà khoản bồi thường liên quan đến thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản DNBH có thể không nhận trách nhiệm bồi thường

–  Số tiền bồi thường của DNBH có thể nhỏ hơn số tiền mà ng­ười đ­ược bảo hiểm phải trả cho bên thứ ba do giới hạn trách nhiệm đã thỏa thuận trong HĐBH.

Câu hỏi 245: Thế nào là bảo hiểm có giới hạn và bảo hiểm không giới hạn trách nhiệm trong bảo hiểm TNDS ?

Trả lời:   

– Trường hợp bảo hiểm không giới hạn trách nhiệm, HĐBH không đặt ra giới hạn về số tiền bồi thường của DNBH. Điều đó có nghĩa là DNBH cam kết bồi thường toàn bộ số tiền bồi thường mà người đ­ược bảo hiểm phải trả cho bên thứ ba.

▪ Ví dụ: HĐBH trách nhiệm của người vận chuyển hàng không đối với trách nhiệm bồi thường về thương vong của hành khách có thể được bảo hiểm không giới hạn, DNBH nhận trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền mà hãng hàng không phải bồi thường cho hành khách bị thương vong trong các sự cố thuộc phạm vi bảo hiểm.

– Tr­ường hợp bảo hiểm có giới hạn trách nhiệm, HĐBH thỏa thuận xác định rõ số tiền bồi th­ường tối đa mà DNBH có thể phải chi trả trong một sự cố bảo hiểm hoặc cho cả thời hạn bảo hiểm. Giới hạn trách nhiệm đó được gọi là mức trách nhiệm, tổng mức trách nhiệm hoặc hạn mức bồi thường

▪ Ví dụ: Trong giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm của một hãng cung cấp gas  có ghi giới hạn trách nhiệm:

○  Đối với thiệt hại về tài sản: 100.000 USD / vụ

○  Đối với thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con ng­ười: 10.000 USD/người/vụ; tối đa: 40.000 USD/ vụ

○  Mức miễn thường không khấu trừ đối với bồi thường về tài sản: 500 USD/ vụ               

Trong thời hạn bảo hiểm đã xảy ra 1 vụ nổ gây thiệt hại về tài sản và tính mạng, sức khoẻ của một số nạn nhân (bên thứ ba) và số tiền mà người được bảo hiểm, (hãng cung cấp gas) phải bồi thường nh­ư sau:

Tên nạn nhân

(bên thứ ba)

Số tiền bồi thường của NĐBH (USD)

Thiệt hại vê tài sản

Thiệt hại vê sức khỏe

A

100.000

15.000

B

20.000

20.000

C

10.000

5.000

D

10.000

E

12.000

Số tiền bồi thường của DNBH(với giả định không phát sinh các chi phí liên quan khác) sẽ là:

Thiệt hại vê tài sản

Thiệt hại vê sức khỏe

– Tổng số tiền bồi thường về tài sản trong vụ nổ là:

100.000 USD + 20.000 USD + 10.000 USD

                                             = 130.000 USD

 

– Số tiền bồi thường đối với từng nạn nhân nếu chỉ căn cứ vào mức trách nhiệm 10.000/ người :

+ Nạn nhân A:  10.000 USD

+ Nạn nhân B:  10.000 USD

+ Nạn nhân C:    5.000 USD

+ Nạn nhân D:  10.000 USD

+ Nạn nhân E:   10.000 USD

– Tổng số tiền bồi thường của người được bảo hiểm cho bên thứ ba lớn hơn mức miễn thường nên bảo hiểm sẽ bồi thường.

–  Tổng số tiền bồi thường của người được bảo hiểm cho bên thứ ba  lớn hơn giới hạn trách nhiệm 100.000 USD/vụ  nên bảo hiểm chỉ bồi thường 100.000 USD.

– Tổng số tiền bồi thường nếu chỉ căn cứ vào mức trách nhiệm/người là 45.000 USD, tuy nhiên giới hạn trách nhiệm cho một vụ chỉ là 40.000 USD nên bảo hiểm chỉ bồi thường 40.000 USD.

Câu hỏi 246: Một đối tượng – trách nhiệm dân sự có thể được bảo hiểm đồng thời tại các DNBH khác nhau không? Bảo hiểm sẽ giải quyết bồi thường như thế nào trong trường hợp đó?

Trả lời:   

–   Có thể xảy ra trường hợp trách nhiệm bồi thường của người được bảo hiểm đối với thiệt hại của bên thứ ba được bảo hiểm đồng thời bằng nhiều HĐBH trách nhiệm dân sự.

–   Nếu sự cố xảy ra thuộc phạm vi bảo hiểm của nhiều HĐBH, sẽ thực hiện việc chia sẻ trách nhiệm bồi th­ường. Việc chia sẻ trách nhiệm bồi thường có thể tuân theo điều khoản sẵn có trong các HĐBH hoặc các phương pháp khác và về nguyên tắc cơ bản là: tổng số tiền bồi thường của các hợp đồng không  lớn hơn số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm phải trả cho bên thứ ba.      

▪ Ví dụ: Trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại của bên thứ ba của chủ thầu xây dựng được bảo hiểm bằng 2 HĐBH TNDS :

–         HĐBH thứ nhất có mức trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản là: 500.000.000 đồng / 1 sự cố

–         HĐBH thứ hai có mức trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản là: 100.000.000 đồng/ 1 sự cố

Nếu xảy ra sự cố thuộc phạm vi bảo hiểm của cả hai HĐBH và số tiền mà chủ thầu phải bồi thường đối với thiệt hại về tài sản cho bên thứ ba là: 60.000.000 đồng. Nếu trong các HĐBH không có điều khoản quy định về vấn đề này và với giả định chưa tính đến các điều khoản khác, như là mức khấu trừ thì các HĐBH có thể áp dụng cách thức chia sẻ số tiền bồi thường như sau:

–         HĐBH thứ nhất  đóng  góp bồi thường:

                                               500.000.000

                   60.000.000 đ   ———————————-   = 50.000.000 đ

                                          500.000.000 + 100.000.000

–         HĐBH thứ hai đóng  góp bồi thường:

                                              100.000.000

                  60.000.000 đ  x   ———————————-   = 10.000.000 đ

                                           500.000.000 + 100.000.000

Câu hỏi 247: Thế quyền có áp dụng trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự không?

Trả lời:    

Thế quyền sẽ đ­ược áp dụng trong trường hợp xác định đ­ược trách nhiệm của người thứ ba (tổ chức, cá nhân không thuộc các bên của HĐBH) có lỗi đối với thiệt hại của đối tượng bảo hiểm xảy ra trong sự kiện bảo hiểm. DNBH sau khi bồi thường sẽ thế quyền ng­ười đ­ược bảo hiểm để đòi tổ chức, cá nhân đó. Thế quyền là biện pháp mà luật pháp cho phép áp dụng nhằm tránh việc kiếm lời không hợp lý từ việc tham gia bảo hiểm.

▪ Ví dụ: Vụ cháy một tòa nhà văn phòng đã àm phát sinh trách nhiệm bồi thường của HĐBH TNDS của chủ sử dụng lao động (doanh nghiệp X) đối với người lao động (một số nhân viên của doanh nghiệp X bị thương trong vụ cháy).  Xác định được lỗi của vụ cháy thuộc về  một chủ xưởng hàn. Trong trường hợp này sau khi bồi thường cho doanh nghiệp X theo thỏa thuận của HĐBH trách nhiệm dân sự của chủ sử dụng lao động, DNBH sẽ thế quyền doanh nghiệp X để đòi chủ xưởng hàn một phần hoặc toàn bộ số tiền mà chủ xưởng hàn phải bồi thường theo quy định về trách nhiệm dân sự của pháp luật.

Câu hỏi 248: Các DNBH giải quyết như thế nào trong trường hợp tài sản của nạn nhân – bên thứ ba của HĐBH trách nhiệm dân sự lại đang đ­ược bảo hiểm bằng một loại HĐBH tài sản?

Trả lời:    

Nguyên tắc chung: sẽ thực hiện sự phối hợp giải quyết bồi thường để số tiền bồi thường của các HĐBH không lớn hơn thiệt hại thực tế của người được bảo hiểm. Đó là biện pháp cần thiết nhằm không cho phép việc kiếm lời không hợp lý từ việc tham gia bảo hiểm.

Có thể có nhiều cách phối hợp và thông thường, HĐBH tài sản sẽ bồi thường và vận dụng thế quyền đòi người có lỗi, sau đó HĐBH trách nhiệm dân sự sẽ bồi thường theo thoả thuận của HĐBH trách nhiệm dân sự.

▪ Ví dụ: Chủ xe A tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe đối với người thứ ba; tai nạn đâm va xảy ra gây thiệt hại cho hàng chở trên xe tải B. Lô hàng đó đã được chủ hàng mua bảo hiểm hàng hóa vận chuyển. Lỗi của vụ tai nạn thuộc về phía xe A.

          Giải quyết:

–         DNBH hàng hóa vận chuyển bồi thường cho chủ hàng theo thỏa thuận của HĐBH hàng hóa vận chuyển. Sau đó, thế quyền chủ hàng đòi chủ xe A;

–         Chủ xe A  thực hiện trách nhiệm bồi thường theo luật dân sự và DNBH trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới bồi thường cho chủ xe A theo thỏa thuận của HĐBH trách nhiệm dân sự;

–         Số tiền bồi thường mà chủ hàng có thể nhận đ­ược tối đa chỉ bằng thiệt hại trong sự kiện bảo hiểm.

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.