Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: Tuyên truyền để người lao động lựa chọn đúng

Sáng 27-5 Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII năm 2015 và Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.  Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). 
 
 
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội trường, 
phiên họp ngày 27-5
Ảnh: Hoàng Long
 
Để người lao động có thể lựa chọn BHXH 
 
Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị, cần tôn trọng quyền lựa chọn của người lao động. Việc người lao động đề nghị hưởng BHXH  một lần cũng là vì thị trường lao động của ta chưa hoàn thiện, người lao động chủ yếu lao động theo mùa vụ. “Quốc hội cần ra nghị quyết cho phép hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH đối với người lao động”-bà Thúy đề nghị.
 
Còn ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng, “Nếu họ không tiếp tục đóng BHXH thì cho họ có quyền nhận BHXH 1 lần. Vì thế kiến nghị Quốc hội ra Nghị quyết kéo dài việc thực hiện điểm c, khoản 1, điều 55 của Luật BHXH năm 2006. Đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tuyên truyền để người lao động cân nhắc”. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) dù luật chưa có hiệu lực nhưng vì nguyện vọng của một bộ phận người lao động thì nên mở ra để cho họ lựa chọn. Hiện có nhiều ý kiến cho rằng thực hiện Điều 60 là có lợi, nhưng thực tế lại chưa phù hợp với công nhân làm việc tại một số ngành lao động đặc thù. Họ cần tiền để về quê mưu sinh. Ông Vinh cho rằng, cực chẳng đã họ mới nhận một lần. Vì thế nên để cho họ lựa chọn.
 
Kể câu chuyện tiếp xúc với công nhân trước kỳ họp Quốc hội, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho biết: Khi gặp công nhân lao động tại khu chế xuất, họ cho rằng Điều 60 và luật BHXH năm 2014 là tiến bộ. Họ hiểu rõ điều này song cho rằng điều 60 còn thiếu. Theo bà Tâm, họ nói vì có những ngành nghề và khu vực lao động dệt may, da giày rất vất vả, phải tăng ca liên tục. Gần 40 tuổi khó đáp ứng được công việc, lúc đó chủ sử dụng lao động cắt hợp đồng nên khó xin việc ở nơi khác. Bà Tâm phân tích thêm: Họ đi ra từ lao động nông thôn nên tìm một nơi lao động là khó, dù biết đồng lương thấp, tiền nhà trọ, tiền gửi con hết 1,2 triệu/ tháng, chưa kể điện nước. Ngoài chi tiêu, họ còn tằn tiện gửi tiền về quê… Chính vì vậy đề nghị nên sửa theo hướng bổ sung 1 khoản để cho người lao động có quyền lựa chọn nhận hoặc bảo lưu. Nếu không Quốc hội phải có nghị quyết thực hiện theo điều 55 Luật BXHH năm 2006- theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm.
 
Ngay sau đó, ĐB Đặng Ngọc Tùng- Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã đề nghị, Quốc hội chưa thông qua luật BXHH năm 2014, và cần phải sửa đổi toàn diện luật này. Theo ông Tùng, hiện luật còn những quy định bất bình đẳng giữa lao động quốc doanh và ngoài quốc doanh. Ông Tùng chỉ rõ: 2 người lao động cùng tốt nghiệp như nhau, đều làm việc như nhau nhưng sau 30 năm đóng BHXH thì khi về hưu “anh” quốc doanh lương hưu gấp 2 lần người ngoài quốc doanh. Điều đó là không thể chấp nhận được. Bất bình đẳng này trước mắt người lao động có thể chưa ý thức được nhưng sau 5-10 năm nữa, khi lĩnh lương hưu thì sẽ thấy điều đó. Vì vậy nên phải sửa toàn bộ luật. “Chúng tôi kiến nghị ngay tại kỳ họp này Quốc hội ra nghị quyết để người lao động có thể lựa chọn lĩnh BHXH 1 lần hoặc tiếp tục bảo lưu đến lúc nghỉ hưu”- ông Tùng nói.
 
Đồng tình, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, Điều 60 đúng nhưng chưa đủ. “Phản ứng của công nhân tại 5 tỉnh vùng trọng điểm  kinh tế phía Nam chúng ta có làm ngơ không? Họ biết là chọn 1 lần là hy sinh. Luật có hiệu lực chúng ta còn sửa được nói gì là luật chưa có hiệu lực”- ông Nghĩa nêu.
 
Ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung
 
Chiều 27-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Cơ quan soạn thảo dự án luật là Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề xuất bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can để chống bức cung, nhục hình.
 
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp bày tỏ quan điểm không tán thành với việc dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” vì thực tiễn cho thấy trong trường phạm tội quả tang, các vụ án chứng cứ đơn giản, rõ ràng và bị can đã nhận tội thì quy định hiện hành về hoạt động hỏi cung không có vướng mắc gì; còn việc bức cung, nhục hình, nếu có thường xảy ra trước khi khởi tố bị can, hoặc trong trường hợp phạm tội không quả tang hoặc trong những vụ án phức tạp mà bị can không nhận tội hoặc đổ lỗi cho nhau. “Vì vậy, để tăng cường hiệu quả chống bức cung, dùng nhục hình, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tránh phát sinh thêm thủ tục rườm rà không cần thiết, đề nghị quy định theo hướng: trong trường hợp phạm tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì cùng với việc lập biên bản phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can”- Ủy ban Tư pháp bày tỏ quan điểm.
 
Theo ĐB Hồ Văn Năm (Đồng Nai), chống bức cung, nhục hình thì ghi âm, ghi hình không phải giải pháp vì điều tra viên “làm việc xong” mới bắt đầu ghi âm, ghi hình. Khi khai nhận rồi mới ghi âm thì cũng là bức cung mà chúng ta không phát hiện được. Vụ án nào cũng ghi âm, ghi hình thì khi không có ghi âm ghi hình chứng cứ không có giá trị. Nên chọn hình thức cho phù hợp để bảo đảm điều tra khách quan đúng hành vi phạm tội- theo ông Năm. Còn theo ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau), nên thực hiện từng bước, phân loại án nghiêm trọng, phức tạp, vụ án lớn thì ghi âm, ghi hình để phục vụ cho quá trình xét xử. 
 
Trong khi đó, ĐB Lương Văn Thành (Hải Phòng) thì đề nghị bắt buộc ghi âm, ghi hình vì thực tiễn thời gian vừa qua có nhiều vụ án dẫn đến oan sai, bức cung, nhục hình. Đây là hoạt động hạn chế tối đa bức cung, nhục hình và cũng là bảo vệ người tiến hành tố tụng, vì khi ra phiên tòa bị can, bị cáo lại bảo bức cung, nhục hình. Đây là bước tiến, nên cần bắt buộc toàn bộ các vụ án.  
 
Bàn về vấn đề này, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho rằng nên có lộ trình, trước mắt chỉ áp dụng ghi âm, ghi hình trong trường hợp hình phạt chung thân, tử hình, sau đó rồi mới áp dụng dần dần.  

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo daidoanket.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.