Cử tri lo lắng vì lương hưu sẽ giảm theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Ông Trần Thanh Hải (thứ 2 từ trái qua) và ông Huỳnh Thành Lập (phải ảnh) trao đổi với cử tri sau buổi tiếp xúc.

“Cách tính lương hưu theo Luật BHXH 2014 là thiệt thòi cho người lao động (NLĐ), có sự phân biệt giữa công chức, viên chức nhà nước và NLĐ làm việc ở đơn vị ngoài quốc doanh… So với Luật BHXH 2006 thì trong tương lai NLĐ sẽ chịu nhiều thiệt thòi” – ông Ngô Thanh Bắc – Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 6, TPHCM – nêu ý kiến với Phó Chủ tịch thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Huỳnh Thành Lập tại buổi tiếp xúc cử tri quận 6 vào sáng 23.4 của Tổ ĐBQH đơn vị 3.

Ông Ngô Thanh Bắc trình bày, trong những ngày công nhân (CN) Cty PouYuen đình công phản đối Điều 60 của Luật BHXH 2014, anh chị em CN đã gọi điện, hoặc trực tiếp đến trụ sở LĐLĐ quận 6, trình bày những thắc mắc của họ về việc sắp tới sẽ không được hưởng BHXH 1 lần. “Ai cũng muốn được hưởng lương hưu, được chăm sóc sức khỏe khi về già, nhưng thực tế điều kiện hiện nay chưa cho phép họ thực hiện được mong ước đó khi từ 40 tuổi, CN đã được doanh nghiệp (DN) cho về hưu. Vì vậy, họ đề nghị Chính phủ và Quốc hội nên quan tâm đến những kiến nghị và thực tế những khó khăn mà đời sống CN đang gặp phải”.

Theo ông Bắc, ngoài Điều 60, CN cũng phản ánh cách tính đóng BHXH theo Luật BHXH 2014 tại Điều 56 quy định đóng BHXH sau năm 2018 nếu đóng được 15 năm thì được hưởng 45% và đóng tiếp cứ mỗi năm được hưởng tăng thêm 2%, như vậy nếu NLĐ tham gia BHXH 25 năm thì khi về hưu chỉ được hưởng 65% lương hưu trong khi hiện nay, theo Luật BHXH 2006 thì lương hưu được 75%. Bên cạnh đó, đối với lao động nam, từ năm 2018 trở đi, phải có 16 năm đóng BHXH mới được hưởng tương đương với 45% mức lương bình quân đóng BHXH. Năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH mới bằng được hưởng 45% mức bình quân tiền lương. So với Luật BHXH 2006 thì tương lai NLĐ sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Đặc biệt, ở Điều 62 quy định về Mức tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp 1 lần là có sự bất bình đẳng trong cách tính hiện nay về mức hưởng lương hưu giữa lao động ở khu vực nhà nước và tư nhân!

Ngoài quyền lợi của mình bị ảnh hưởng thì việc NLĐ còn quan tâm đến việc nguồn quỹ BHXH Việt Nam có nguy cơ mất trắng cả 1.000 tỉ đồng.

Thay mặt tổ ĐBQH đơn vị 3, ông Huỳnh Thành Lập cho rằng, ý kiến của bà con cử tri rất xác đáng, nhất là việc NLĐ nghỉ việc nhưng chưa đủ tuổi hưu, chưa đủ năm đóng BHXH thì cho NLĐ lựa chọn đóng tiếp hay hưởng một lần.

“Đó là nguyện vọng của NLĐ. Nhà nước cũng mong muốn bà con khi hết tuổi lao động được chăm sóc… Nhưng mọi quyết sách của Nhà nước phải trên cơ sở là tôn trọng ý kiến của NLĐ vì mục tiêu của Đảng, Nhà nước là tất cả vì NLĐ. Mục đích của Điều 60 Luật BHXH 2014 là muốn chăm lo tốt nhất cho NLĐ khi không còn sức khỏe, nhưng nếu NLĐ vẫn quyết lĩnh một lần thì cũng phải chấp nhận thôi” – ông Huỳnh Thành Lập nói.

Cùng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, về nguyên tắc chung, Tổng LĐLĐ Việt Nam rất ủng hộ chính sách để NLĐ có được lương hưu, được chăm sóc khi về già, nhưng thực tế một số anh em CN dù rất muốn nhưng họ không thể nào có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH. “Vậy vấn đề là phải có chính sách tạo điều kiện để cho những NLĐ đó thực hiện cho tốt chính sách này, làm sao để cho NLĐ yên tâm. Mặt khác, nếu NLĐ nghỉ việc ở đơn vị này rồi chuyển sang đơn vị khác làm việc thì nên hãy tiếp tục tham gia BHXH để được chăm sóc tốt về sau” – ông Trần Thanh Hải nói.

Về cách tính đóng, hưởng lương hưu theo Điều 56 mà cử tri trình bày, ông Huỳnh Thành Lập cho biết, Tổ ĐBQH sẽ lắng nghe và tính toán lại, mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. “Nếu không phù hợp thì sẽ xem xét lại và trình Quốc hội” – ông Lập nói.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo laodong.com.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.