Chính sách Bảo hiểm tiền gửi: Hiệu quả và thách thức

Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) ra đời và có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động BHTG. Tuy nhiên, vẫn còn những vướng mắc về cơ chế cần được điều chỉnh kịp thời để chính sách BHTG thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tính hiệu quả. Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Khắc Sơn – Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) xoay quanh vấn đề này.

Sau 1 năm thực hiện Luật BHTG, theo ông để Luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất, cần phải làm gì?

Luật BHTG được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 18/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Luật BHTG đã thể hiện một số ưu việt, đó là: Luật BHTG thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tạo hành lang pháp lý cao nhất cho hoạt động BHTG cũng như xác định vị trí, vai trò của tổ chức BHTG trong mạng an toàn tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, các quy định của Luật BHTG đã tiếp cận nội dung cơ bản của “Các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả” theo khuyến nghị của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) và Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI).

Tuy nhiên, Luật BHTG còn bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cũng như cần được hướng dẫn cụ thể và chi tiết, đặc biệt liên quan đến hạn mức trả tiền bảo hiểm và phí BHTG. Để giải quyết những bất cập về chính sách BHTG, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đáp ứng nguyện vọng của người gửi tiền và thông lệ quốc tế.

Thực tế là hạn mức chi trả tiền bảo hiểm 50 triệu đồng không còn phù hợp. Vậy kế hoạch nâng mức này đang được thực hiện thế nào?

Ở nhiều nước, hạn mức trả tiền bảo hiểm phải được xác định trên cơ sở GDP bình quân đầu người; tốc độ tăng của lạm phát; hay trên cơ sở những biến cố với nền kinh tế như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khủng hoảng tài chính… và những vấn đề liên quan tới các chính sách khác của Nhà nước. Ở nước ta, cơ sở để xây dựng hạn mức trả tiền bảo hiểm không được ghi vào trong Luật BHTG. Bên cạnh đó, Luật BHTG cũng không quy định khi nào thì phải thay đổi hạn mức trả tiền bảo hiểm và cơ quan nào đề xuất thay đổi. Đó là sự khác biệt giữa Luật BHTG của Việt Nam so với các nước khác.

Sau khi nghiên cứu kỹ các điều kiện, yếu tố liên quan đến xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm của Việt Nam cũng như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, DIV đã đề xuất với NHNN và các cơ quan hữu quan xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 200 triệu đồng. Hạn mức này được xác định bằng 4,8 lần GDP bình quân đầu người năm 2013. Theo đó, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ/tổng số người gửi tiền là 93,19%, tỷ lệ số dư tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ/tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm là 19,29%.

Mức phí BHTG hiện nay vẫn được thu đồng hạng. Điều này có những hạn chế gì, thưa ông?

Từ khi thành lập DIV đến nay, phương pháp tính phí BHTG đồng hạng được áp dụng đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG là 0,15%/năm/tổng số dư tiền gửi bằng VND của các đối tượng được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Với các điều kiện trong giai đoạn đầu mới thành lập tổ chức BHTG và đặc thù của nền kinh tế chuyển đổi từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, mức phí này được đánh giá là phù hợp.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của IMF và IADI, phí đồng hạng không nên áp dụng trong thời gian dài và khi tổ chức BHTG tích lũy đủ nguồn lực, kinh nghiệm và có khả năng đánh giá, xếp hạng, phân loại các tổ chức tham gia BHTG một cách phù hợp thì nên chuyển sang áp dụng phí theo mức độ rủi ro; tức là tổ chức tham gia BHTG có rủi ro cao thì phải chịu mức phí cao và ngược lại.

Trên thực tế, việc áp dụng mức phí đồng hạng trong thời gian dài dễ dẫn đến tình trạng không công bằng trong nộp phí bảo hiểm giữa các tổ chức tham gia BHTG. Việc áp dụng như vậy sẽ như một sự bao cấp cho những TCTD yếu kém, không tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD trong hệ thống, làm gia tăng nguy cơ phát sinh rủi ro đạo đức. Thêm vào đó, cơ chế phí đồng hạng không khuyến khích tổ chức tham gia BHTG nâng cao chất lượng hoạt động để được áp dụng mức phí thấp hơn như khi áp dụng phí theo mức độ rủi ro. Hệ thống tính phí dựa trên rủi ro sẽ giúp tránh khỏi những vấn đề này.

Thông tin từ DIV đã hỗ trợ như thế nào trong việc giám sát các TCTD, hỗ trợ cho việc tái cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất?

Hoạt động mua bán, sáp nhập, hợp nhất trong những năm gần đây diễn ra sôi động, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Từ cuối năm 2011 đến nay, đã có 8 TCTD được sáp nhập, hợp nhất. Các ngân hàng mới sau sáp nhập, hợp nhất có quy mô lớn hơn, đồng thời các vấn đề về chiến lược, quản lý điều hành và quản trị rủi ro đã được sắp xếp, củng cố lại.

Trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng nêu trên, xuất hiện nhiều thông tin trái chiều về tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng khiến tâm lý người gửi tiền bị ảnh hưởng.

Trước bối cảnh đó, DIV đã không ngừng tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHTG để tăng cường niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống tài chính ngân hàng ở Việt Nam. Đồng thời, DIV đã triển khai hướng dẫn các thủ tục cấp đổi và thu hồi Chứng nhận BHTG cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền tại tổ chức này không bị ảnh hưởng. Mặt khác, DIV cũng đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá các vấn đề về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý các TCTD yếu kém và đề xuất với NHNN để có những chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời.

Theo ông, để chính sách BHTG đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, DIV cần có giải pháp gì đột phá hơn nữa?

Với tư cách là định chế tài chính đặc biệt của Nhà nước, để DIV thực sự là một tổ chức hoạt động hiệu quả theo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, bảo vệ tốt quyền lợi người gửi tiền và góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng, trong thời gian tới, DIV tập trung triển khai một số giải pháp sau: Thứ nhất, chủ động xây dựng và hoàn thiện đề án tính phí BHTG theo rủi ro; nghiên cứu mô hình giám sát hiệu quả phục vụ phân loại các TCTD và tính phí phân biệt đề xuất với NHNN trình Chính phủ phê duyệt, đồng thời hoàn thiện năng lực về nhân sự sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu mới về giám sát rủi ro. Thứ hai, tiếp tục đề xuất điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm cho phù hợp với tình hình hiện nay khi lạm phát gia tăng, GDP bình quân đầu người cải thiện đáng kể và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm duy trì niềm tin công chúng đối với hệ thống BHTG. Thứ ba, chủ động tái cơ cấu bộ máy tổ chức nhằm triển khai hiệu quả Luật BHTG với những chức năng, nhiệm vụ mới, đảm bảo thực hiện tốt hơn vai trò giữ vững niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Theo (Thoibaonganhang)

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.