BHXH Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả từ việc ứng dụng CNTT

Với quan điểm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện để nhân dân tin tưởng vào chính sách của Đảng và bộ máy của Nhà nước, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều cải tiến để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn Thành phố. Giải pháp đạt hiệu quả cao là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để xử lý các mối quan hệ phối hợp, tạo thuận lợi cho việc đóng và hưởng BHXH, BHYT của nhân dân.

HCM 031115 02.JPG
Thực hiện giao dịch điện tử giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH

Tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn Thành phố có 55.154 đơn vị tham gia BHXH, tương ứng với trên 1,8 triệu người tham gia BHXH và gần 5,5 triệu người tham gia BHYT. Tổng số thu là 33.537,2 tỷ đồng (năm 2015 chỉ tiêu kế hoạch là 34.421,7 tỷ đồng), chiếm khoảng 16% số thu cả nước. Có 143.289 người hưởng lương hưu và 20.286 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; trên 100.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; 14,5 triệu lượt người khám, chữa bệnh (KCB) BHYT mỗi năm; Chi BHXH là 14.463 tỷ đồng và chi BHYT là 5.893 tỷ đồng. Chính vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với BHXH Thành phố Hồ Chí Minh là phải cải cách hành chính (CCHC), phải liên tục tự đổi mới để vừa nâng cao chất lượng phục vụ, vừa hợp lý hóa các quy trình nghiệp vụ để nâng cao năng suất làm việc. Mặt khác, CCHC cũng là chủ trương của Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh đối với các cơ quan, trong đó có BHXH thành phố.

Ứng dụng CNTT: kết quả khả quan

Từ tháng 7/2006, BHXH Thành phố đã đề xuất và được BHXH Việt Nam cho phép tổ chức thêm hình thức chi lương hưu qua thẻ ATM, giúp cho người hưởng lương hưu thuận tiện, có thể lĩnh lương hưu bất kỳ nơi nào, địa phương nào (đang đi du lịch hoặc đang tạm trú ở địa phương khác) và bất kỳ thời gian nào; Dữ liệu về hưu trí và mức hưởng được trao đổi, kết chuyển với ngân hàng để đảm bảo chuyển tiền chính xác và đúng ngày 01 hàng tháng. Từ tháng 6/2014, đã thực hiện gửi tin nhắn (miễn phí) hàng tháng mỗi khi có tiền vào tài khoản để cán bộ hưu trí chủ động nhận tiền.

Trong việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, BHXH Thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các Ngân hàng tổ chức chi trả cho người lao động một cách thuận lợi trên cơ sở ứng dụng tiện ích CNTT. Khi người lao động đăng ký thất nghiệp, Trung tâm Giới thiệu việc làm nhận dữ liệu qua mạng về quá trình đóng BHTN của người lao động từ cơ quan BHXH và chuyển thông tin (qua mạng) để BHXH chuẩn bị dữ liệu in thẻ BHYT và làm thẻ ATM. Khi có quyết định mức trợ cấp, Trung tâm chuyển kết quả để BHXH chuẩn bị in, chuyển thẻ BHYT và chuyển tiền vào tài khoản thẻ. Ngay khi nhận quyết định hưởng trợ cấp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm, người lao động được nhận luôn thẻ ATM và thẻ BHYT. Hằng tháng, tiền sẽ tự động được chuyển vào tài khoản thẻ ATM, người lao động không phải xếp hàng chờ đợi nhận trợ cấp hàng tháng tại cơ quan BHXH. Với việc cải tiến này đã góp phần làm giảm thời gian đi lại của người dân và thời gian xử lý công việc cho nhân viên BHXH. Mỗi năm, tại Thành phố có trên 100.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; bình quân phải đến nhận thẻ BHYT và trợ cấp 05 lần mỗi người thì giải pháp này đã tiết kiệm cho người dân trên 500.000 lượt giao dịch  mỗi năm. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sau khi khảo sát đã công nhận đây là phương thức hiệu quả nhất được áp dụng tại Việt Nam. Nhiều BHXH tỉnh, thành phố đã học tập làm theo giải pháp này.

Với thực trạng khi tiếp nhận người bệnh có thẻ BHYT, các nhân viên y tế phải mất khá nhiều thời gian (khoảng 03 phút) để nhập dữ liệu về thông tin cá nhân người bệnh ghi trên thẻ như: mã thẻ, họ tên, giới tính, năm sinh, địa chỉ, nơi KCB ban đầu. Để  phòng ngừa sai sót, bệnh viện còn yêu cầu người bệnh sao chụp thẻ BHYT để đối chiếu khi cần. Phương thức này làm cho thời gian chờ đợi việc được khám bệnh của bệnh nhân bị kéo dài, dẫn đến tình trạng quá tải ngày càng trở nên nghiêm trọng tại các cơ sở y tế và tốn kém chi phí sao chụp thẻ của người dân. Xuất phát từ thực trạng trên, BHXH Thành phố đã xây dựng đề án in thẻ BHYT có mã vạch và được BHXH Việt Nam chấp thuận cho áp dụng trên địa bàn thành phố từ cuối quý 3/2013 và triển khai toàn quốc từ năm 2014. Với cải tiến thẻ BHYT có mã vạch 02 chiều đã tạo bước đột phá quan trọng trong in, phát hành, sử dụng và quản lý thông tin trên thẻ BHYT. Giải pháp này đã rút ngắn thời gian làm thủ tục KCB cho người dân, giảm thiểu công tác nhập liệu thủ công cho nhân viên các cơ sở KCB mà lại nhanh chóng và chính xác. Nếu như thông thường, phải mất 03 phút để nhập các thông tin cá nhân trên thẻ thì nay chỉ mất chưa đến 01 phút cho công tác này và người bệnh không phải nộp thêm bản sao chụp thẻ BHYT cho bệnh viện. Với hơn 14,5 triệu lượt người KCB BHYT hằng năm tại Thành phố, giải pháp này đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc cho người dân và cơ sở KCB.

HCM 031115 01.jpg
Tiện ích tra cứu thông tin kết quả đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

BHXH Thành phố là đơn vị đầu tiên trong cả nước thí điểm triển khai việc cung cấp thông tin kết quả đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người lao động trên trang thông tin điện tử (c13.bhxhtphcm.gov.vn). Đã thực hiện việc chuyển dữ liệu thông tin kết quả đóng BHXH, BH thất nghiệp từ năm 2014 trở về trước và 6 tháng đầu năm 2015 của tất cả người có đóng BHXH tại Thành phố (dự kiến sắp tới sẽ cung cấp thông tin thường xuyên theo quý). Việc cung cấp thông tin kết quả đóng BHXH, BHTN trên trang website đã giúp cho người lao động tra cứu dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và chính xác để tự kiểm tra việc thực hiện quyền lợi về BHXH của chủ doanh nghiệp. Với trên 1,8 triệu người đóng BHXH, ứng dụng này đã phục vụ được đông đảo nhân dân và tiết kiệm lớn kinh phí in ấn và phát hành đến tay người lao động.

Giao dịch điện tử cũng là một giải pháp được BHXH Thành phố triển khai từ rất sớm. Phương thức giao dịch hồ sơ điện tử đã giúp các doanh nghiệp có được công cụ lập thủ tục tham gia BHXH đúng quy định, hỗ trợ nhiều chức năng tự động để giảm thiểu sai sót khi kê khai, giảm thời gian đi lại và chờ đợi giao dịch với cơ quan BHXH như trước đây; đặc biệt là giám sát được quá trình thực hiện của cơ quan BHXH và xem được ngay kết quả giao dịch. Áp dụng phương thức này là một trong những biện pháp đạt hiệu quả cao để BHXH Thành phố cùng toàn ngành BHXH thực hiện yêu cầu của Chính phủ trong việc cắt giảm thời gian kê khai thủ tục nộp BHXH, BHYT (từ 335 giờ xuống còn 49,5 giờ vào cuối năm 2015), cải thiện được môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đến nay, toàn Thành phố đã có 37.365 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch qua mạng. Trong đó có 4.695 đơn vị giao dịch điện tử có dùng chữ ký số. Trên cơ sở mô hình thí điểm này tại Thành phố Hồ Chí Minh, BHXH Việt Nam đã có chủ trương cho áp dụng trên toàn Ngành từ năm 2015.

Tiếp tục ứng dụng tiện ích trên nền tảng CNTT

Nhằm nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn Thành phố. BHXH Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục triển khai một số ứng dụng tiện ích dựa trên CNTT. Cụ thể:

Ứng dụng chi trả trực tiếp chế độ Ốm đau, Thai sản cho người lao động qua ngân hàng và thẻ ATM: Hiện nay, việc chi trả Ốm đau, thai sản được thực hiện thông qua doanh nghiệp, phương thức chi trả này làm tốn kém nhiều thời gian của Doanh nghiệp do phải tổ chức chi trả và quyết toán với cơ quan BHXH. Từ tháng 10/2015, Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã phối hợp với đơn vị sử dụng lao động lấy thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ ATM của người lao động (tại Thành phố Hồ Chí Minh, đa phần các doanh nghiệp đều chi trả tiền lương cho nhân viên qua thẻ ATM) để cập nhật vào tiện ích và phối hợp với ngân hàng chi trả qua thẻ ATM. Trước mắt, trong quý 4/2015 thử nghiệm một số đơn vị có số lao động nhiều (từ 7.000 lao động trở lên). Dự kiến sẽ áp dụng đại trà từ đầu năm 2016. Ứng dụng chi trả trực tiếp Ốm đau, Thai sản cho người lao động qua ngân hàng và thẻ ATM giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian phải chi trả và các thủ tục quyết toán trợ cấp cũng sẽ đơn giản hơn.

Tiện ích phục vụ đối chiếu dữ liệu, rà soát hồ sơ tham gia đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp có nhiều số sổ trùng CMND. Đây là thực trạng còn tồn tại ở các doanh nghiệp do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. BHXH Thành phố đã phối hợp với Cục Thuế Thành phố nhờ hỗ trợ, cho phép dùng kho dữ liệu thuế Thu nhập cá nhân để đối chiếu số CMND trong kho sổ BHXH của các doanh nghiệp. Từ đó, lọc ra các sổ BHXH có số CMND sai chuyển đến các doanh nghiệp yêu cầu điều chỉnh lại nhân thân. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để làm sạch dữ liệu trước khi cấp mã định danh sau này.

Ứng dụng kết nối dữ liệu KCB giữa Bệnh viện và cơ quan BHXH về các chi phí phát sinh trong quá trình KCB của người có thẻ BHYT. Với ứng dụng này, Bệnh viện có thể rà soát tình trạng hiệu lực của thẻ BHYT, tình hình sử dụng thẻ BHYT trong ngày của người bệnh. Giúp cơ quan BHXH nắm được tình hình phát sinh chi phí KCB của bệnh viện và có những cảnh báo kịp thời, cũng như có số liệu phục vụ cho công tác giám định sau này.

Với những nỗ lực ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính nói trên, BHXH Thành phố Hồ Chí Minh đang phấn đấu cùng toàn ngành BHXH thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp./.

 

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohiemxahoi.gov.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.