Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Cơ sở pháp lý: Luật BHXH; Nghị định 190/2007/NĐ-CP; Thông tư số 02/2008/TT-BLĐTBXH; Quyết định số 1564/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam.

BHXH tự nguyện được thực hiện trên nguyên tắc nào?– BHXH tự nguyện thực hiện trên cơ sở tự nguyện của người tham gia. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.– Mức đóng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng đóng BHXH nhưng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung.

– Mức hưởng BHXH tự nguyện được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH tự nguyện.

– Người vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở tổng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

– Quỹ BHXH tự nguyện được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và hạch toán độc lập.

– Việc thực hiện BHXH tự nguyện phải đơn giản, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được quy định như thế nào?

Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

– Người từ đủ 15 tuổi đến đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ;

– Người đã đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, đã có từ đủ 15 năm đóng BHXH trở lên, còn thiếu không quá 05 năm mới đủ 20 năm, kể cả những người đã có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà chưa nhận BHXH một lần, có nhu cầu đóng BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Mức đóng và phương thức đóng BHXH tự nguyện được quy định như thế nào?

* Mức đóng BHXH hàng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện bằng tỷ lệ phần trăm đóng BHXH tự nguyện nhân (x) với mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn.

* Tỷ lệ đóng BHXH:

– Từ tháng 01/2008 đến tháng 12/2009 bằng 16%.

– Từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011 bằng 18%.

– Từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2013 bằng 20%.

– Từ tháng 01/2014 trở đi bằng 22%.

* Mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn: Thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung được xác định theo công thức sau:

Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn = Lmin + m x 50.000 (đồng/tháng).

Trong đó:

– Lmin: Là mức lương tối thiểu chung;

– m: Là mức người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn để đăng ký đóng BHXH, là số nguyên lớn hơn hoặc bằng 0 (Ví dụ: 0, 1, 2, 3, 4…).

* Phương thức đóng: Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn phương thức đóng hàng tháng hoặc hàng quý hoặc 06 tháng một lần. Thời điểm phải đóng BHXH là: 15 ngày đầu tháng đối với phương thức đóng hàng tháng, 45 ngày đầu quý đối với phương thức đóng hàng quý, 03 tháng đầu đối với phương thức đóng 06 tháng một lần. Trường hợp đã đóng theo phương thức đóng hàng quý hoặc 6 tháng một lần, mà trong thời gian đó Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì không phải truy đóng số tiền chênh lệch so với mức lương tối thiểu mới.

Thủ tục, hồ sơ đăng ký tham gia BHXH tự nguyện được quy định như thế nào?

* Trình tự đăng ký, đóng BHXH lần đầu.

– Người tham gia BHXH tự nguyện: Lập 02 bản Tờ khai tham gia BHXH tự nguyện mẫu số 01-TN (sau đây gọi chung là Tờ khai). Trong đó, kê khai đầy đủ các nội dung liên quan đến nhân thân, nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú), mức lựa chọn để tính đóng BHXH (m), mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH, mức đóng BHXH/tháng, phương thức đóng BHXH và hình thức nộp tiền, kèm theo 01 bản sao Giấy khai sinh, gửi BHXH huyện. Trường hợp có thời gian tham gia BHXH mà đã được cấp sổ BHXH thì nộp thêm sổ BHXH và Bản ghi quá trình đóng BHXH do cơ quan BHXH cấp trước khi di chuyển hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH (sau đây gọi chung là Bản ghi quá trình).

– Cơ quan BHXH huyện: Tiếp nhận hồ sơ, thực hiện kiểm đếm, sau đó viết Giấy biên nhận giao cho người tham gia BHXH tự nguyện (ghi rõ số lượng và thời gian đến nhận lại hồ sơ); Thẩm định, đối chiếu nội dung kê khai trên Tờ khai với bản sao Giấy khai sinh. Trường hợp có thời gian đóng BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện trước đó thì phải đối chiếu giữa nội dung ghi trên Bản ghi quá trình và sổ BHXH. Nếu khớp đúng thì căn cứ vào số sổ BHXH do BHXH tỉnh cấp trên bản Đăng ký kế hoạch cấp số sổ BHXH mẫu số 03-TN (sau đây gọi chung là Bản đăng ký), để ghi số sổ BHXH vào Tờ khai của người tham gia BHXH tự nguyện, mở Sổ theo dõi quá trình đóng BHXH tự nguyện (mẫu số 05-TN), đồng thời cập nhật toàn bộ thông tin trên Tờ khai,  Bản ghi quá trình vào cơ sở dữ liệu, nếu sai thì phải hướng dẫn cụ thể; Chuyển cơ sở dữ liệu bằng (Email hoặc đĩa…) về BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh) để BHXH tỉnh tích hợp. Thời gian chuyển: Hàng ngày hoặc định kỳ vào ngày 10, 20 và ngày cuối tháng, nếu trùng vào ngày nghỉ tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì chuyển sang ngày kế tiếp; Ghi các nội dung trên sổ BHXH, sau đó chuyển trả người tham gia BHXH tự nguyện 01 Tờ khai và sổ BHXH để họ lưu giữ, lưu lại Bản ghi quá trình.

* Dừng đóng và đăng ký lại:

Người tham gia BHXH tự nguyện được coi là tạm dừng đóng khi không tiếp tục đóng BHXH và không có yêu cầu nhận BHXH một lần. Khi tiếp tục đóng BHXH phải đăng ký lại (mẫu số 02-TN). Việc đăng ký lại thực hiện vào tháng đầu quý./

BBT Tạp chí BHXH
Bảo Hiểm Bảo Việt
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.