Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam: Người “thay tên, đổi họ”, kẻ ngập ngừng

So với thế giới và khu vực, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam vốn được đánh giá là thị trường còn non trẻ và giàu tiềm năng. Trong những năm qua, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ thường đạt mức tăng trưởng cao, từ 20-30% mỗi năm và điều này đã thu hút nhiều hãng bảo hiểm nước ngoài. Miếng bánh ngon là vậy, nhưng thực tế lại không hề dễ xơi.

Sau nhiều đồn đoán về việc chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Samsung quyết định “tiếp tục nghiên cứu thị trường để thúc đẩy các quyết định kinh doanh tại thị trường Việt Nam”.

Được biết, Bộ Tài chính đã gia hạn giấy phép đặt văn phòng đại diện của hãng bảo hiểm nhân thọ đến từ Hàn Quốc này đến tháng 4/2023. Với Bảo hiểm nhân thọ Samsung, đây dường như vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để tham gia vào thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, sau 13 năm có mặt tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam,  Prévoir – hãng bảo hiểm nhân thọ của Pháp, mới đây đã chính thức công bố việc đổi tên thành Mirae Asset Prévoir, sau khi cổ đông mới là Tập đoàn Mirae Asset đến từ Hàn Quốc hoàn tất các thủ tục bán 50% cổ phần của Prévoir tại Việt Nam.

“Thị trường nhân thọ Việt Nam đang cạnh tranh ngày một mạnh mẽ, tạo cơ hội cho những hãng bảo hiểm mới tham gia, đồng thời tạo ra một thị trường ngách hấp dẫn nhờ có mức thâm nhập cơ bản thấp và triển vọng tăng trưởng cao”, ông Khamsaya Soukhavong, Tổng giám đốc Mirae Asset Prévoir chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán trong bài phỏng vấn mới đây.

Với Prévoir, tuy đã hoạt động tại Việt Nam được 13 năm, nhưng thị phần của hãng bảo hiểm này đến nay còn khá khiêm tốn. Điều này được lý giải là do chiến lược kinh doanh của hãng. Chẳng hạn, ngay từ khi thâm nhập thị trường Việt Nam, Prévoir chỉ tập trung bán bảo hiểm qua ngân hàng, chứ không bán bảo hiểm theo cách truyền thống; các sản phẩm, phân khúc khách hàng và mức phí cũng có sự khác biệt so với các hãng bảo hiểm khác…

Sau khi nhường lại 50% cổ phần cho Tập đoàn Mirae Asset, để phát triển, ngoài đổi tên thương hiệu, thay đổi chiến lược kinh doanh là điều tất yếu.

Theo đó, cùng với việc tiếp tục duy trì các kênh phân phối trực tiếp – mô hình bán bảo hiểm từng giúp Mirae Asset Prévoir tiếp cận được khách hàng ở những vùng sâu, vùng xa, hãng bảo hiểm này sẽ chuyển hướng từ tập trung vào số lượng sang nhắm vào từng mục tiêu cụ thể và thị trường ngách.

Ngoài ra, Mirae Asset Prévoir cũng đang mở rộng đầu tư vào con người, hệ thống đào tạo và quản trị để triển khai các sáng kiến kỹ thuật số hướng đến khách hàng, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, quản lý hợp đồng bảo hiểm và dịch vụ có hiệu quả cao.

Tất nhiên, không chỉ Mirae Asset Prévoir sẽ phát triển theo chiến lược này. Thực tế cho thấy, phần lớn các công ty bảo hiểm tại Việt Nam đang thực hiện việc “số hóa” bằng cách đầu tư vào các cổng thông tin bảo hiểm, tiếp thị trực tuyến và kết hợp các cơ chế thanh toán.

Chẳng hạn, hãng bảo hiểm FWD sau khi mua lại Great Eastern Việt Nam hồi năm 2016 đã coi bán hàng trực tuyến là một trong những thế mạnh và tới nay, độ phủ thương hiệu đã có sự cải thiện nhờ thế mạnh này. Hay với Hanwha Life Việt Nam, hãng này cũng đang đi những bước đầu tiên để phát triển việc bán bảo hiểm trên kênh trực tuyến homeshopping…

Bán bảo hiểm trực tuyến: Câu chuyện thì tương lai

Không phủ nhận công nghệ, Internet đang hỗ trợ tạo ra nhiều cách tiếp cận khách hàng hơn, từ đó giúp các công ty bảo hiểm nhân thọ mở rộng thị trường hơn. Tuy nhiên, đến nay, tại thị trường Việt Nam, doanh thu khai thác phí bảo hiểm mới vẫn chủ yếu đến từ kênh đại lý và bancassurance.

Việc tiếp cận và chinh phục khách hàng từ sản phẩm mới, cũng như kênh phân phối mới như bán bảo hiểm trực tuyến, vẫn còn là một hành trình dài với nhiều thách thức ở phía trước, kể cả khách hàng từ những thị trường ngách.

Đơn cử, Sun Life Việt Nam – hãng bảo hiểm đến từ Canada từng ghi nhận sự tăng trưởng thị phần đáng kể từ phân khúc bảo hiểm hưu trí, hiện đang có những thay đổi trong việc mở rộng hơn phân khúc khách hàng của mình. Tương tự, BIDV Metlife vốn có thế mạnh ở kênh bancassurance, cũng đang tính tới việc mở rộng thêm kênh phân phối mới là đại lý…

Theo các chuyên gia trong ngành, dù được đánh giá là rất tiềm năng và sẽ tiếp tục đón nhận thêm những dòng vốn mới từ các hãng bảo hiểm nhân thọ mới, nhưng để phát triển và mở rộng được thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày một khốc liệt như thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam không phải là bài toán đơn giản.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.